Bảo đảm nguồn nước sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn chung, nguồn nước trữ tại công trình thủy lợi cơ bản bảo đảm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Bảo đảm nguồn nước sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 ảnh 1Công nhân Công ty Quản lý thủy nông Quảng Trị tham gia làm thủy lợi tại xã Gio Châu, huyện Gio Linh. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ Đông Xuân năm 2020-2021.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn chung, nguồn nước trữ tại công trình thủy lợi cơ bản bảo đảm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Tuy nhiên, các tỉnh cần lưu ý tình trạng hạ thấp mực nước tại hạ du hệ thống sông Hồng-Thái Bình tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi; xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long nguy cơ xảy ra ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và công trình thủy lợi nội đồng bị hư hại ở khu vực Trung Bộ sẽ ảnh hưởng đến việc phân phối nước đến mặt ruộng.

[Quảng Bình: Sớm khắc phục hệ thống thủy lợi bị hư hại sau mưa lũ]

Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh vụ Đông Xuân 2020-2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ Đông Xuân 2020-2021 phù hợp với thực trạng nguồn nước.

Đặc biệt, lưu ý xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chi tiết đến từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể.

Các tỉnh, thành phố thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ Đông Xuân, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu thiết yếu cho cả mùa khô.

Bảo đảm nguồn nước sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021 ảnh 2Nông dân xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh ra quân làm thủy lợi. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Địa phương bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu hạn, mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.

Các địa phương tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Các tỉnh, thành phố ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị ảnh hưởng do các đợt mưa, lũ, bão trong năm 2020; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi.

Riêng với khu vực Bắc Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, vùng Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ cần huy động tối đa phương tiện để lấy nước trong các đợt điều tiết nước từ các hồ chứa thủy điện để làm đất phục vụ gieo cấy.

Các địa phương cần tranh thủ trữ nước vào các vùng trũng, ao, hồ, hệ thống kênh mương để tưới dưỡng, đề phòng trường hợp nguồn nước hệ thống sông Hồng xuống thấp, không bảo đảm cung cấp cho các hệ thống công trình thủy lợi vận hành.

Vùng miền núi phía Bắc thực hiện cân đối, sử dụng tiết kiệm lượng nước trữ các hồ chứa, bảo đảm cung cấp suốt vụ gieo trồng.

Với khu vực Trung Bộ, các địa phương tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại từ ao, hồ, sông suối, kênh rạch để cung cấp cho sản xuất vụ Đông Xuân, tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi để dành cung cấp cho vụ Hè Thu. Tăng cường công tác thủy lợi nội đồng để khôi phục hoạt động của công trình bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua.

Các diện tích tưới thuộc vùng hạ du các sông có hồ chứa thủy điện cần có kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du trong các thời kỳ khô hạn; đồng thời cân đối nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm để dành cung cấp cho vụ Hè Thu.

Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước để thực hiện kế hoạch gieo trồng, giảm thiểu thiệt hại khi nguồn nước không đảm bảo, đặc biệt ở các vùng ngoài phạm vi công trình thủy lợi phụ trách tưới; tranh thủ bơm, trữ nước dự trữ khi nguồn nước bảo đảm.

Với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Văn bản số 8286/BNN-TCTL ngày 30/11/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các tỉnh, thành phố lưu ý thực hiện việc theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn; khoanh vùng cụ thể các diện tích khả năng bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn để thực hiện thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống phù hợp với tình hình nguồn nước; tổ chức quan trắc độ mặn để thực hiện việc lấy nước hợp lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục