Tạp chí y học The Lancet của Anh ngày 31/3 cho biết số người lớn béo phì trên toàn thế giới là 650 triệu người, chiếm 13% dân số người lớn thế giới.
Với tốc độ phát triển bệnh như hiện nay, tỷ lệ người béo phì sẽ tăng lên 20% dân số vào năm 2025.
Giáo sư Majid Ezzati, thuộc Đại học Imperial College London ở Anh, đánh giá trong 40 năm qua, thế giới chuyển từ tình trạng số người thiếu cân cao gấp hai lần số người béo phì sang tình trạng người béo phì nhiều hơn người thiếu cân.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu khảo sát 19 triệu người từ 18 tuổi trở lên sống tại 186 nước.
Theo thống kê, số người lớn béo phì năm 2014 đã lên tới 641 triệu người, trong đó 375 triệu phụ nữ và 266 triệu nam giới. Năm 1975, số người béo phì là 105 triệu. Số nam giới béo phì tăng gấp 3 lần từ năm 1975 đến năm 2014 và con số này ở phụ nữ tăng gấp đôi.
Đến năm 2025, ước tính 20% dân số thế giới sẽ bị béo phì, trong đó 6% là nam giới và 9% phụ nữ mắc bệnh nặng.
Tỷ lệ người béo phì ở các nước là khác nhau. Nhóm các nước giàu bao gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada, Ireland, New Zealand có 118 triệu người béo phì, chiếm 1/5 tổng số người lớn béo phì trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, tỷ lệ người béo phì cao nhất trong nước thuộc về hai quốc đảo Thái Bình Dương, Polynesia và Micronesia, với 38% đàn ông béo phì và 50% phụ nữ béo phì.
Nguyên nhân số người béo phì tăng cao là do bùng nổ thức ăn công nghiệp giàu chất đường và chất béo, đồng thời yếu tố di truyền cũng đóng góp một phần quan trọng.
Chứng bệnh này trở thành một vấn đề ảnh hướng lớn đến sức khỏe cộng đồng của những nước có thu nhập trung bình ở Thái Bình Dương, Trung Đông, Bắc Phi, Nam Mỹ và vùng Caribe.
Giáo sư Majid Ezzati cảnh báo nếu không triển khai nhanh chóng các biện pháp chống béo phì trên toàn thế giới thì các hậu quả gây cho ngành y tế là không thể lường được. Thực tế, béo phì làm tăng nguy cơ gây nên một số bệnh như ung thư, tim mạch, cao huyết áp.
Ngược lại, tình trạng thiếu cân suy dinh dưỡng đang là vấn đề khó khăn của các nước Đông Nam Á và ở một vài nước châu Phi.
Theo nghiên cứu, số người thiếu cân ở khu vực Đông Nam Á chiếm 25% tổng số người thiếu cân trên toàn thế giới, khu vực Trung Phi và Đông Phi lần lượt là 12% và 15%.
Thiếu cân người lớn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ trước và sau khi sinh nở và tăng nguy cơ tử vong liên quan đến các bệnh truyền nhiễm như lao phổi./.