'Bất kỳ trường hợp nào vẫn phải giữ vững nền kinh tế vĩ mô'

Chính phủ cần báo cáo đánh giá kỹ bối cảnh nền kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19 và có các kịch bản và đề xuất giải pháp trong việc tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn này.
Các Đại biểu Quốc hội tham gia góp ý kiến tại tổ vào chiều 29/10. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các Đại biểu Quốc hội tham gia góp ý kiến tại tổ vào chiều 29/10. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các ý kiến góp ý của Đại biểu Quốc hội cho rằng, kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế cần gắn với khôi phục phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, tự lực tự cường và tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Sử dụng chính sách tài khóa để “vực” nền kinh tế

Thảo luận tại tổ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) vào chiều ngày 29/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận nếu năm 2020 không bị dịch bệnh COVID-19 thì các chỉ tiêu đều đạt và tiếp tục đánh giá trong 5 năm. Do đó, kế hoạch tái cơ cấu 5 năm phải gắn với tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

“Bất kỳ trường hợp nào vẫn phải giữ kinh tế vĩ mô, sử dụng chính sách tài khóa tiền tệ đủ mạnh với dung lượng hợp lý nhằm tập trung phục hồi phát triển kinh tế, để giải quyết tồn đọng (sản xuất hiện nay còn dư thừa, yếu kém của ngân hàng, doanh nghiệp, xử lý nợ xấu áp lực cao hơn). Thời gian tới tập trung đẩy mạnh số hóa, kinh tế-xã hội số, Chính phủ số, kinh tế xanh và các mô hình kinh tế mới…,” Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) cho rằng, năm 2021 là thời điểm chịu tác động lớn của dịch COVID-19 do đó phục hồi phát triển kinh tế sau dịch là vấn đề cấp thiết. Vì vậy, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế cần gắn với khôi phục phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, tự lực tự cường của nền kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

[Cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 để không lỡ nhịp với thế giới]

Theo vị đại biểu là Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sau dịch COVID-19, hiện các nước cũng đang tái thiết để tăng cường tính bền vững của nền kinh tế nên nghị viện các nước đều hướng tới mục tiêu  phát triển nền kinh tế xanh. Trong năm 2020-2021 sẽ có khoảng 20.000 tỷ USD đầu tư vào kinh tế để phục hồi. Tại Việt Nam đang xây dựng chương trình phục hồi và tính toán quy mô đủ lớn để phục hồi bền vững.

Là người thẩm tra báo cáo của Chính phủ, bà Yến lưu ý cần xác định đa mục tiêu để bảo đảm tiếp cận bao trùm bền vững, lấy lợi ích của người dân là mục tiêu trung tâm để xây dựng thể chế phát triển kinh tế.

Bày tỏ sự đồng tình đến việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn thành phố Hà Nội) cho biết việc ban hành kế hoạch là hết sức cần thiết cùng với các kế hoạch, mục tiêu quốc gia của Quốc hội, nên cần rà soát lại để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản Quốc hội đã ban hành.

Cùng với đó, Chính phủ cần báo cáo đánh giá kỹ bối cảnh nền kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19 và đi theo đó là các kịch bản, đề xuất giải pháp cụ thể để thực hiện, trong đó cần xác định khâu đột phá chiến lược trong việc tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn này.

“Trung ương đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế biển đến năm 2030, đóng góp 10% GDP cả nước. Vì thế, kế hoạch cần chú trọng đến việc phân vùng, liên kết kinh tế giữa các khu vực, tỉnh có kinh tế biển, chú trọng phát triển kinh tế xanh,” Đại biểu Thi nói.

Tái cấu trúc phải có kế hoạch

Theo Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng), kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) là những quyết định tương lai phát triển, không gian kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng những vấn đề mang tính chiến lược cho các lĩnh vực, ngành nghề phát triển dựa trên nền tảng kế hoạch này.

“Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế cần rà soát đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất quốc gia để tránh chồng chéo, có thể vênh quan điểm như dành không gian phát triển, không gian xanh. Một trong những cách tiếp cận quan trọng bên cạnh tái cơ cấu ngành, lĩnh vực thì tổ chức không gian để phát triển kinh tế của đất nước là quan trọng,” Đại biểu Hồi góp ý.

Bên cạnh đó, vị Đại biểu đoàn thành phố Hải Phòng bày tỏ quan điểm, độ mở cơ chế sẽ tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư, từ đó sẽ tạo ra dòng tiền. Các nước trên thế giới thành công chính là có thể chế, chính sách và quyết định tốt.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho rằng quá trình tái cơ cấu là tốt nhưng việc đầu tư công chưa thực sự hiệu quả trong 5 năm qua, đặc biệt trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong khi đó, đại dịch khiến nước ta phải tái cấu trúc nền kinh tế và phân định rõ Nhà nước, tư nhân và khu vực nước ngoài để hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh.

'Bất kỳ trường hợp nào vẫn phải giữ vững nền kinh tế vĩ mô' ảnh 1Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, đoàn thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến tham luận. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phân tích thêm việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, theo đại biểu Hoàng Văn Cường dù thời gian qua việc thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp còn thấp song việc này rất cần thiết.

[Tái cơ cấu nền kinh tế hậu dịch COVID-19: Biến "nguy" thành "cơ"]

Vị Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, không thể để việc các doanh nghiệp Nhà nước ngồi ôm bao nhiêu nguồn tài nguyên, lĩnh vực, tài sản và những khu vực lẽ ra nên thoái vốn chuyển cho tư nhân mới tạo ra nguồn lực phát triển cho xã hội.

“Việc Nhà nước vẫn nắm, doanh nghiệp cứ nằm đấy, thậm chí có thể làm cho nợ thêm nợ, trong khi tài sản mất đi, sân chơi không còn cho tư nhân, do vậy tái cấu trúc phải có kế hoạch,” đại biểu Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Cường cũng góp ý về việc đầu tư công có thể đặt hàng qua các tập đoàn tư nhân để làm việc hiệu quả, Nhà nước chỉ quản lý và giám sát.

Đồng tình quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) cho biết cơ cấu lại nền kinh tế trong đó có cơ cấu vốn đầu tư công để làm sao thực hiện theo chủ trương “Một đồng vốn đầu tư công đưa ra sẽ dẵn dắt vốn đầu tư tư nhân đi theo”, tuy nhiên giai đoạn qua không đạt được và chưa có tầm nhìn dài hạn về đánh giá dự báo nền kinh tế nên kế hoạch này cần cụ thể hơn về nguyên nhân chủ khách quan.

Đại biểu Giang đặt ra vấn đề với việc chậm giải ngân vốn đầu tư công Chính phủ sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu ngành, vậy có nên xem xét đây phải là tiêu chí để Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với người đứng đầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục