Bình Thuận: Hỗ trợ bốc dỡ hơn 300 tấn hải sản tồn đọng trên tàu cá

Do cảng cá La Gi dừng hoạt động từ 0h ngày 24/7 để phòng dịch COVID-19, hơn 300 tấn hải sản trên 10 tàu cá của ngư dân cập cảng sau đó đã không thể bốc dỡ và vận chuyển đi tiêu thụ.
Bình Thuận: Hỗ trợ bốc dỡ hơn 300 tấn hải sản tồn đọng trên tàu cá ảnh 1Hải sản tại Cảng cá La Gi. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Đêm 28/7, hơn 300 tấn hải sản tồn đọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên 10 tàu cá đang neo đậu tại Cảng cá thị xã La Gi (Bình Thuận) đã được tổ chức bốc dỡ và vận chuyển đi tiêu thụ.

Quá trình bốc dỡ được đồn Biên phòng Phước Lộc (Bộ đội Biên phòng Bình Thuận), Ban Quản lý cảng và chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại Cảng cá La Gi (Bình Thuận) kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định trong phòng, chống dịch COVID-19

Trước đó, 10 tàu cá của ngư dân La Gi khai thác về cùng hơn 300 tấn hải sản cập cảng La Gi.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, để chủ động làm tốt công tác phòng chống dịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã La Gi đã quyết định đóng cửa, tạm dừng tất cả các hoạt động tại Cảng cá La Gi từ 0h ngày 24/7 đến khi có thông báo mới.

Do đó, số hải sản trên các phương tiện sau khi cập cảng đã không thể bốc dỡ và vận chuyển đi tiêu thụ.

Nhằm hỗ trợ cho các chủ tàu trong việc bốc dỡ, tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân, các lực lượng đã lên phương án bốc dỡ và hướng dẫn, hỗ trợ các chủ phương tiện tổ chức bốc dỡ số hải sản bị tồn đọng trên tàu để vận chuyển đi tiêu thụ.

Theo đó, phương án bốc dỡ được tổ chức chặt chẽ, đảm bảo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch như: chủ tàu cá, thuyền trưởng, thuyền viên, lao động bốc xếp, lái xe và người đi cùng phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 và có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ.

Chủ tàu cá phải chịu trách nhiệm áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch: thực hiện nghiêm hướng dẫn 5K của Bộ Y tế, tổ chức đo thân nhiệt, khai báo y tế đối cho thuyền trưởng, thuyền viên, lao động tham gia bốc dỡ hải sản, tiến hành khử khuẩn đối với tàu cá và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra dịch bệnh lây lan.

Các tàu cá cập bến lần lượt, đảm bảo 1 tàu/1 lần bốc dỡ và tất cả các thuyền viên đều phải ở trên tàu. Chủ tàu hoặc người đại diện giao dịch trên bến thì không được lên tàu cá. Số lượng lao động tham gia bốc dỡ sản phẩm không quá 10 người.

[Giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho lưu thông hàng hóa và tiêu thụ nông sản?]

Trường hợp tàu cá không sử dụng lao động bốc dỡ thì được sử dụng thuyền trưởng, thuyền viên trên tàu cá bốc dỡ hải sản và được lên bến.

Hải sản sau khi bốc dỡ từ tàu cá phải được đưa ngay lên phương tiện vận tải, không được lưu lại trên bến và tàu cá sau khi bốc dỡ xong phương tiện phải nhanh chóng rời bến.

Dự kiến, việc bốc dỡ hơn 300 tấn hải sản tồn trọng trên các phương tiện để vận chuyển đi tiêu thụ sẽ hoàn thành trong ngày 29/7.

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Bình Thuận, đến sáng 29/7, toàn tỉnh Bình Thuận ghi nhận 446 trường hợp mắc COVID-19 và 40 trường hợp nghi nhiễm.

Thị xã La Gi hiện ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất tỉnh với 371 trường hợp mắc và 39 trường hợp nghi mắc.

Để đảm bảo tốt nhất công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn thị xã La Gi theo Chỉ thị 16 từ 00 giờ ngày 29/7.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng tiến hành giãn cách xã hội toàn thị xã La Gi theo Chỉ thị 16 từ ngày 15/7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục