Bốn hậu quả với Iraq chưa được nói sau vụ không kích giết tướng Iran

Vụ không kích của Mỹ khiến tướng Iran thiệt mạng làm tăng thêm tâm lý chống Mỹ trong dân chúng Iraq, đặc biệt là trong số người dòng Shiite, gây ra cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Iraq.
Bốn hậu quả với Iraq chưa được nói sau vụ không kích giết tướng Iran ảnh 1Căn cứ quân sự có quân đội Mỹ tại Iraq. (Nguồn: AP)

Theo trang mạng nationalinterest.org, việc Mỹ không kích khiến Thiếu tướng Qasim Suleimani, chỉ huy đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiệt mạng và gây ra một cuộc khủng hoảng trên lãnh thổ Iraq là vi phạm thỏa thuận giữa Mỹ và Iraq liên quan đến việc triển khai các lực lượng Mỹ tại nước này.

Các nhà lãnh đạo Iraq đã nhanh chóng nhóm họp và bỏ phiếu trục xuất binh sỹ Mỹ ra khỏi nước này. Ngoài ra, vụ không kích không chỉ vi phạm chủ quyền của Iraq mà còn giết chết một chỉ huy quân đội Iraq.

Abu Mahdi al-Muhandis, người thiệt mạng trong vụ không kích, là Phó chỉ huy Lực lượng Dân quân Iraq (PMF) và là người đứng đầu Lực lượng Kata'ib Hezbollah, một đội quân chủ lực dòng Shiite và là thành phần quan trọng của PMF.

Vụ việc này để lại bốn hậu quả có thể nhìn thấy rõ ngay lập tức. Thứ nhất, nó làm tăng thêm tâm lý chống Mỹ trong dân chúng Iraq, đặc biệt là trong số người dòng Shiite, dẫn đến quốc hội Iraq thông qua một nghị quyết yêu cầu trục xuất tất cả lực lượng nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Iraq.

Điều này đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Iraq, với việc Tổng thống Donald Trump đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iraq nếu họ yêu cầu 5.000 binh sỹ Mỹ ra khỏi lãnh thổ nước này.

Thứ hai, nó đã chấm dứt đột ngột các cuộc biểu tình kêu gọi Iran ngừng sự hiện diện và gây ảnh hưởng tại Iraq, đặc biệt là ở những khu vực của người Shiite.

Ông Suleimani rất nổi tiếng trong cộng đồng người Shiite ở Iraq bởi vai trò của ông trong việc lãnh đạo cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Cái chết của ông ngay lập tức tạo ra một làn sóng cảm thông làm chuyển hướng dư luận sang ủng hộ Iran.

Thứ ba, làn sóng chống Mỹ dẫn đến nghị quyết của quốc hội Iran kêu gọi trục xuất các lực lượng Mỹ cũng miêu tả rõ ràng sự rạn nứt trong xã hội Iraq giữa người Kurd và người Arab dòng Shiite đa số.

[Mỹ nối lại hoạt động quân sự với Iraq sau vụ Tướng Iran thiệt mạng]

Những đại diện người Kurd đã tẩy chay phiên họp quốc hội thông qua nghị quyết vì hầu hết người Kurd coi sự hiện diện của quân đội Mỹ là cần thiết để bảo vệ quyền tự trị ở miền Bắc và tiếp tục cuộc chiến chống IS.

Hơn nữa, người Kurd ở Iraq không có chút thiện cảm nào với Iran do cuộc đàn áp người Kurd ở Iran. Sự chia rẽ giữa người Arab và người Kurd về vấn đề này có thể gây ra những hậu quả sâu rộng cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq.

Thứ tư, việc Mỹ không kích khiến Tướng Suleimani thiệt mạng và việc quốc hội Iraq bỏ phiếu trục xuất binh sỹ Mỹ có thể sẽ thức tỉnh các nhóm khủng bố của IS - một trong số đó từng hoạt động tích cực ở Iraq.

Chúng sẽ tổ chức nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn và một lần nữa tái sinh như một mối đe dọa đối với nhân dân Iraq. Vì Mỹ coi IS là một mối đe dọa lớn về an ninh, nên sự hồi sinh của các nhóm IS tại Iraq có thể rất nguy hiểm cho những lợi ích lâu dài của Mỹ ở khu vực này và xa hơn.

Kể từ năm 2003, Iraq đã trở thành đấu trường chính của cuộc cạnh tranh Mỹ-Iran. Điều này góp phần đáng kể vào bất ổn an ninh và gây khó chịu cho Iraq. Việc Mỹ trắng trợn sử dụng lãnh thổ Iraq để giết một trong những tướng lĩnh hàng đầu của Iran chắc chắn sẽ làm leo thang cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Iran ở Trung Đông.

Kết quả, Iraq có thể trở nên bất ổn hơn. Iraq là một quốc gia mong manh và vẫn như vậy kể từ cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003 - vốn đã phá hủy cấu trúc nhà nước và sinh ra cuộc xung đột tôn giáo ở quy mô chưa từng có. Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang ở Iraq và sẽ còn căng hơn sau vụ ám sát Tướng Suleimani.

Điều này cũng sẽ gây ra sự chia rẽ hơn nữa giữa người Kurd và người Arab ở Iraq và sẽ khiến Iraq trở nên mong manh hơn. Iraq là trung tâm của trật tự khu vực được tạo ra hồi cuối chiến tranh thế giới thứ nhất.

Việc làm rõ vấn đề này chắc chắn sẽ tác động đến Syria và Liban và có thể dẫn đến hiệu ứng domino không thể ngăn chặn, làm thay đổi bản đồ của khu vực Trung Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục