Chuyên gia Mỹ phân tích thông điệp trong vụ Mỹ sát hại tướng Iran

Theo chuyên gia Michael Miklaucic, quyết định trên của Mỹ cho thấy Mỹ sẽ không từ bỏ khu vực Trung Đông và sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình ở đó bằng các hành động mang tính quyết định.
Chuyên gia Mỹ phân tích thông điệp trong vụ Mỹ sát hại tướng Iran ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Aa.com.tr)

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Mỹ, chuyên gia Michael Miklaucic - thành viên cấp cao Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia, Tổng biên tập của tạp chí Prism (Mỹ) - cho rằng lý do đằng sau quyết định của Mỹ tấn công vào sân bay quốc tế Baghdad của Iraq khiến Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiệt mạng là bởi từ nhiều năm nay tướng Soleimani là kẻ thù không đội trời chung của Mỹ, chịu trách nhiệm nhiều cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ và lợi ích của Mỹ ở trong khu vực Trung Đông và trên toàn thế giới.

Ở cấp độ chiến lược, việc sát hại tướng Soleimani là bước đi nhằm loại bỏ một trong những nhà lãnh đạo quân sự và chính trị có tầm ảnh hưởng nhất của nước này, cũng như làm suy yếu khả năng đe dọa của Iran đối với lợi ích của nước Mỹ.

Ở cấp độ biểu tượng, cái chết của tướng Soleimani cho thấy đối với Mỹ sẽ không có ai là bất khả chiến bại và Mỹ có thể "chạm" tới bất kỳ ai.

Ở cấp độ răn đe, hành động này của Mỹ cũng là lời cảnh báo đối với những kẻ tấn công người dân Mỹ và tấn công lợi ích của Mỹ rằng họ sẽ không thể tránh được sự trả đũa của Mỹ. Những kẻ chọn con đường như vậy sẽ không thể bị bỏ qua và sự trả thù của Mỹ sẽ là cái bóng đeo đuổi họ.

Theo Michael Miklaucic, quyết định trên của Mỹ cho thấy Mỹ sẽ không từ bỏ khu vực Trung Đông và sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình ở đó bằng các hành động mang tính quyết định.

Hành động này cũng là để cảnh tỉnh người Iran rằng sự lãnh đạo của chính quyền Iran, thông qua những hành vi bạo lực và sự ủng hộ cho chủ nghĩa khủng bố trong khu vực, đang làm tổn hại đến an ninh và sự thịnh vượng của đất nước Iran.

[Căng thẳng Mỹ-Iran: Dấu hiệu 'hạ nhiệt' từ quốc gia Trung Đông]

Tuy nhiên, mục tiêu này của Mỹ sẽ khó thành công bởi người dân Iran có ý thức chủ quyền và niềm tự hào dân tộc mạnh mẽ.

Hành động này của Mỹ cũng làm gia tăng đáng kể căng thẳng giữa Mỹ và Iran và sẽ làm đóng băng các sáng kiến ngoại giao với Iran trong thời gian tới.

Cùng với đó sẽ là căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, những quốc gia coi quyết định của Mỹ là sự vô lý và leo thang không cần thiết. Với sự căng thẳng này, họ sẽ không ủng hộ các sáng kiến của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn như đề xuất hòa bình giữa Israel và Palestine.

Về phần mình, Iran sẽ sử dụng sự căng thẳng này như một phương tiện để đánh lạc hướng sự quan tâm của công chúng khỏi sự bất bình gần đây liên quan đến các cuộc biểu tình rộng khắp trên Iran.

Chắc chắn rằng, chế độ Iran sẽ trả thù Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Soleimani, Iran đã xây dựng một mạng lưới các nhóm ủy nhiệm và hợp tác trên toàn cầu.

Hơn nữa, việc Mỹ hiện diện ở khắp nơi sẽ là những mục tiêu dễ tấn công trả đũa của Iran. Iran cũng có thể nhắm vào các đồng minh và đối tác của Mỹ như Israel hoặc Saudi Arabia để khiến họ phải trả giá cho mối quan hệ với Mỹ.

Mặc dù những tuyên bố công khai của Iran đối với cái chết của Soleimani mang tính kích động và hiếu chiến, nhưng giới lãnh đạo quốc gia này có chủ ý và kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch và thực hiện các chiến dịch dài hạn.

Iran sẽ không hành động ngay lập tức hay tiến hành các vụ khủng bố tàn ác như vụ 11/9/2001, mà sẽ thực hiện một chiến dịch khiêu khích kéo dài dưới ngưỡng của chiến tranh và với mục tiêu đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Trung Đông.

Để đối phó với Iran, Mỹ sẽ cảnh giác cao trên toàn thế giới với các dấu hiệu trả đũa của Iran và điều này sẽ có tác dụng ngay lập tức để ngăn chặn hành động của Iran trong thời điểm hiện tại.

Mỹ cũng đã đưa ra các cảnh báo tăng cường đối với người dân Mỹ về những nguy cơ khi đi tới khu vực. Mỹ không muốn leo thang hoặc sẽ triển khai mạnh mẽ hàng loạt lực lượng quân đội trong khu vực, nhưng sẽ tiếp tục chiến lược gây sức ép tối đa để buộc Iran từ bỏ tham vọng thống trị khu vực.

Mỹ hiện cũng sẽ cố gắng xây dựng một liên minh với các đồng minh và đối tác để cô lập hơn nữa chế độ Iran về kinh tế, ngoại giao và chiến lược.

Đối với người dân Mỹ, từ lâu họ đã là mục tiêu của các vụ khủng bố và họ cũng đã quen với các mối quan ngại về khủng bố cả ở trong nước và nước ngoài.

Cái chết của tướng Iran Soleimani sẽ khiến người dân Mỹ nhận thức cao hơn về an ninh trong một thời gian dài cho tới khi căng thẳng được hạ nhiệt. Đó là một tác dụng phụ không thể tránh khỏi và không thể phủ nhận là để trở thành một cường quốc thống trị toàn cầu, bảo vệ các lợi ích toàn cầu, người Mỹ đã phải trả giá bằng sự phẫn nộ từ nhiều kẻ thù, dẫn đến các hành động chống lại người Mỹ và lợi ích của Mỹ.

Theo nhận định của ông Michael Miklaucic, việc sát hại tướng Iran sẽ khiến quan hệ hai nước đóng băng ngoại giao trong một thời gian dài, nhưng có thể các nhà lãnh đạo của cả hai bên sẽ không muốn leo thang căng thẳng hoặc phát động một cuộc chiến tranh. Vì lợi ích lâu dài, cả hai sẽ tìm cách để vượt qua sự thù địch này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục