BR-VT phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Mục tiêu chung mà tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra là phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần xây dựng ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện theo hướng hiện đại...
BR-VT phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 1Thu hoạch tôm nuôi áp dụng công nghệ cao tại hợp tác xã Chợ Bến, xã An Ngãi, huyện Long Điền. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định số 600/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 585-KL/TU ngày 19/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 28/7/2017 về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025.

Mục tiêu chung mà tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra là phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần xây dựng ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, thực hiện mục tiêu tăng trưởng nông lâm, thủy sản của tỉnh bình quân giai đoạn 2021-2025 là 4,3%; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh theo chuỗi giá trị, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống vật chất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Cụ thể đến năm 2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu hình thành Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; tăng giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp gấp 1,5 lần so với năm 2021, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản); các diện tích đất quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thu hồi để triển khai thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh cũng phấn đấu quy hoạch và xây dựng 5 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản: vùng sản xuất hồ tiêu, vùng chăn nuôi, vùng cây ăn quả và vùng thủy sản gắn với liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, khuyến khích đầu tư đối với các sản phẩm chủ lực...

[BR-VT ứng dụng công nghệ cao trong phát triển kinh tế trang trại]

Được biết, thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 28/7/2017 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2022-2025, trước đó tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng Kế hoạch nhằm đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, quảng bá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; kêu gọi đầu tư, phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở vùng nuôi trồng tập trung hiện có trên địa bàn tỉnh, khuyến khích đầu tư đối với các sản phẩm chủ lực. Vận động các tổ chức đầu mối liên kết đăng ký chứng nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi đạt đủ các tiêu chí quy định.

Trong năm 2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định về việc công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Hội, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc; và ban hành Quyết định về việc phê duyệt dự án phân khu chức năng sản xuất vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Châu Đức. Theo đó, tại huyện Châu Đức với quy mô là 710,94 ha với 2 phân khu công nghệ cao được xác định tại xã Xuân Sơn với tổng diện tích là 327,72 ha và xã Quảng Thành với tổng diện tích là 383,22 ha.

BR-VT phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ảnh 2Nhờ nuôi tôm áp dụng công nghệ trong nuôi tôm, Hợp tác xã Chợ Bến, huyện Long Điền, thu hoạch từ 2-2,5 tấn tôm/1.000m2 ao nuôi. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Tính đến tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 434 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (tăng 90 cơ sở so cùng kỳ); quy mô diện tích hơn 5.648 ha, diện tích đang sản xuất 5.630,83 ha mang lại sản lượng hơn 51.098 tấn/năm. Trên các sản phẩm như rau các loại như: rau ăn lá, dưa lưới, cây ăn quả có bưởi, chuối, bơ, nhãn, mít, cây công nghiệp có hồ tiêu, ca cao...

Công nghệ áp dụng gồm các nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động. Ngoài ra, một số cơ sở có áp dụng công nghệ thủy canh; công nghệ aquaponics; công nghệ theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ theo cảm biến, sử dụng điện năng lượng mặt trời...

Việc ứng dụng công nghệ cao đã giúp tăng năng suất trên đơn vị diện tích, tăng chất lượng sản phẩm do chủ động quản lý dịch hại, điều kiện sản xuất và tối ưu việc cung cấp dinh dưỡng, nước tưới trong suốt quá trình sinh trưởng của cây trồng.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi hiện toàn tỉnh có 127 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, các công nghệ sử dụng gồm: Trang trại thiết kế hệ thống chuồng lạnh, sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại.

Lĩnh vực thủy sản có 19 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 412,2 ha. Áp dụng công nghệ nuôi tôm sinh học siêu thâm canh, nguồn nước tuần hoàn và khép kín, sử dụng hệ thống máy lọc nước hiện đại, ứng dụng kỹ thuật kiểm soát, quản lý nuôi của Israel, quy trình 3 sạch, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ 250-500 con/m2, 3-5 vụ/năm.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục