Các công ty dầu khí hàng đầu thế giới đã gần như không đạt được tiến bộ nào đáng kể trong nỗ lực cắt giảm mô hình và sản lượng khai thác gây phát thải khí nhà kính nhằm hướng đến lộ trình đạt được các mục tiêu mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đặt ra.
Đây là báo cáo mà nền tảng dữ liệu khách hàng CDP đưa ra ngày 29/6.
Khảo sát và đánh giá đối với 100 công ty dầu khí cho thấy không công ty nào trong số này đặt mục tiêu cắt giảm phát thải CO2 "ở mức đáng kể để hướng đến lộ trình đạt được mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C trong vòng 5 năm tới."
Trong khi đó, xét về hoạt động khai thác, CDP cho biết 81 công ty dầu khí không có kế hoạch "cắt giảm đáng kể" sản lượng khai thác từ nay đến trước năm 2030.
[Phát thải CO2 trong ngành năng lượng toàn cầu năm 2022 cao kỷ lục]
Báo cáo của CDP có đoạn nêu cụ thể rằng đánh giá mới nhất cho thấy ngành công nghiệp dầu khí "gần như không đạt được tiến bộ nào kể từ năm 2021 nhằm hướng đến các mục tiêu của Hiệp định Paris."
Trong số đó, xét về mức độ cam kết cắt giảm phát thải CO2, tập đoàn dầu mỏ TotalEnergies (Pháp) không có kế hoạch nào nhằm cắt giảm quy mô lớn lượng phát thải từ nay đến năm 2030.
Tập đoàn công nghiệp đa quốc gia lớn Eni của Italy và tập đoàn năng lượng khổng lồ Repsol của Tây Ban Nha nằm trong top 10 công ty, còn tập đoàn năng lượng đa quốc gia Shell và tập đoàn dầu khí BP nằm trong top 20.
Các công ty dầu khí của Mỹ gồm Chevron, Conoco và Exxon nằm trong top 40. Đứng cuối danh sách chủ yếu là các công ty nhà nước của Nga, các nước Arab vùng Vịnh, Nigeria, Algeria, Libya, Venezuela, Iraq và Iran.
Các công ty dầu khí lớn nhất ở phương Tây đặt ra nhiều mục tiêu khác nhau để cắt giảm khí thải nhà kính do các hoạt động khai thác của họ gây ra.
Chỉ có ba công ty châu Âu, gồm công ty dầu khí Neste của Phần Lan, công ty dầu khí và năng lượng điện đa quốc gia Naturgy của Tây Ban Nha và công ty điện lực đa quốc gia Engie của Pháp, là đang đầu tư vào công nghệ sản xuất làm giảm mức phát thải CO2 với mức hơn 50% ngân sách của họ.
Trước đó, một nghiên cứu công bố ngày 26/6 cho biết mức phát thải CO2 từ ngành năng lượng trên phạm vi toàn cầu đã được ghi nhận ở mức cao kỷ lục trong năm 2022, một xu hướng đi ngược lại những cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Với tiêu đề Đánh giá Thống kê về Năng lượng Toàn cầu, nghiên cứu do Viện Năng lượng có trụ sở tại Anh tiến hành cùng với sự tham vấn của Hãng tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ Kearney và công ty kiểm toán quốc tế toàn cầu KPMG, nghiên cứu này cũng nhấn mạnh những tác động "tồi tệ chưa từng xảy ra" trên thế giới do biến đổi khí hậu gây ra.
Nghiên cứu ghi nhận: "Mức phát thải CO2 từ việc sử dụng năng lượng, quá trình công nghiệp, hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch và khí metan... tiếp tục tăng ở mức cao mới và đạt 0,8% trong năm 2022."
Theo ước tính của các nhà khoa học, từ nay đến năm 2030, thế giới cần cắt giảm thêm khoảng 43% lượng phát thải khí nhà kính so với mức của năm 2019 để có thể đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris đặt ra là duy trì tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức tối đa 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp./.