Các hoạt động của kinh tế Hàn Quốc có thể bắt đầu hồi phục từ tháng 5

Báo cáo của Viện Hana nhấn mạnh hồi phục kinh tế không có nghĩa là dịch COVID-19 hoàn toàn kết thúc, mà thể hiện ở việc chính phủ bước vào giai đoạn khống chế được dịch bệnh.
Các hoạt động của kinh tế Hàn Quốc có thể bắt đầu hồi phục từ tháng 5 ảnh 1Container hàng hóa được xếp tại cảng ở Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Viện Nghiên cứu Quản lý Tài chính Hana ngày 13/4 đã đưa ra báo cáo "Tác động của đại dịch COVID-19 đến xu hướng các ngành trên toàn cầu," trong đó dự đoán các hoạt động kinh tế tại Hàn Quốc sẽ trở lại bình thường từ tháng 5/2020, ngay cả khi dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc.

Báo cáo của Viện Hana nhấn mạnh hồi phục kinh tế không có nghĩa là dịch COVID-19 hoàn toàn kết thúc, mà thể hiện ở việc chính phủ bước vào giai đoạn khống chế được dịch bệnh. Nếu Hàn Quốc có thể ổn định kinh tế nhanh hơn các nước khác thì các sản phẩm của Hàn Quốc sẽ có cơ hội giành ưu thế, chiếm được nhiều thị phần hơn. Ngược lại, trong trường hợp thất bại trong đối phó dịch bệnh, Hàn Quốc sẽ phải thực hiện lại từ đầu quá trình cách ly.

Báo cáo nhận định kể cả trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn như hiện nay, với những chính sách kích cầu của Chính phủ Hàn Quốc và nhu cầu thực tế tăng trở lại, thị trường trong nước với trọng tâm là ngành phân phối hàng hóa và hàng tiêu dùng sẽ hồi phục từ quý 3 năm nay. Bên cạnh đó, trong bối cảnh trường học mở cửa trở lại và kinh tế Trung Quốc dần ổn định, ngành giáo dục, sản xuất và phân phối mỹ phẩm cũng sẽ dần khởi sắc.

[Hàn Quốc nỗ lực biến thách thức thành cơ hội phục hồi kinh tế sau dịch]

Ngược lại, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và kéo dài trên quy mô toàn cầu thì các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng phải đến sau quý 4/2020 mới có cơ hội phục hồi. Đặc biệt, các ngành du lịch và dịch vụ nhà hàng, khách sạn sẽ mất thêm nhiều thời gian hơn do phải tiến hành tu sửa trang thiết bị và cơ sở. Viện Hana dự đoán kinh tế toàn cầu trong tương lai sẽ không tránh khỏi phải thay đổi trục chính sang ngành cung ứng và phân phối.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu khiến hàng loạt nhà máy tại nhiều nước đóng cửa, gây ra gián đoạn và thậm chí đình trệ trong cung ứng, các ngành công nghiệp chính cần xem xét chuẩn bị hệ thống cung ứng kịp thời, đồng thời phải phân tán rủi ro bằng cách đa dạng hóa các dòng cung ứng phụ tùng, nguyên vật liệu.

Báo cáo cho rằng trong tình hình lượng hàng hóa giảm do hạn chế về giao thông vận tải, ngành phân phối sẽ được cơ cấu lại với trọng tâm xoay quanh các doanh nghiệp lớn có tài chính vững mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục