Các nước khối Eurozone vẫn bất đồng về kế hoạch cải tổ

Các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) vẫn bất đồng về nhiều điểm trong kế hoạch cải tổ liên minh kinh tế và tiền tệ trong bối cảnh Brexit đang đến gần.
Các nước khối Eurozone vẫn bất đồng về kế hoạch cải tổ ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Đức Peter Altmaier (phải) và Áo Hans-Jorg Schelling tại cuộc họp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong cuộc họp ngày 6/11 tại thủ đô Brussels của Bỉ, các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) vẫn bất đồng về nhiều điểm trong kế hoạch cải tổ liên minh kinh tế và tiền tệ trong bối cảnh Brexit - tức Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - đang đến gần.

Với mục đích làm cho đồng euro thống nhất hơn về chính trị và kinh tế, qua đó chống chọi tốt hơn trong các cuộc khủng hoảng tương lai, tại cuộc họp, các bộ trưởng đã thảo luận 3 chủ để chính là đơn giản hóa các quy định về ngân sách của các nước thành viên, kế hoạch lập một quỹ đề phòng khủng hoảng eurozone, và hoàn tất dự án về một "liên minh ngân hàng" nhằm dỡ bỏ các hạn chế giữa các nhà cho vay trong EU.

[Eurozone giải ngân các khoản vay 800 triệu euro cho Hy Lạp]

Một trong những thách thức phức tạp nhất là việc đơn giản hóa các quy định ngân sách quốc gia, mà các chính phủ Eurozone muốn kiểm soát chặt nhằm tránh các trừng phạt của Brussels. Trong khi các bộ trưởng nhất trí rằng cần tiến hành cải cách, họ lại chia rẽ về cách thức cải cách. Chủ tịch Eurogoup Jeroen Dijsselbloem cảnh báo nợ công đang ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng, khi nợ của một số quốc gia đã cao gấp đôi mức giới hạn mà EU cho phép.

Bên cạnh đó, vấn đề lập quỹ đề phòng khủng hoảng cũng vấp phải vất đồng. Paris muốn một ngân sách lớn, coi đây như bằng chứng của tình đoàn kết châu Âu khi đối mặt với các cú sốc tài chính. Nhưng Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker muốn một quỹ quy mô nhỏ và mang tính biểu tượng là chính, quan điểm được người Đức ủng hộ. Chủ tịch Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM - quỹ bình ổn hiện nay của Eurozone), ông Klaus Regling cũng cho rằng không cần một ngân sách thường niên cho việc này, dù đồng ý là vẫn cần thảo luận thêm.

Cuối cùng, các bộ trưởng đã thảo luận về liên minh ngân hàng và sự tế nhị trong việc thành lập một hệ thống bảo hiểm tiền gửi châu Âu để dự phòng trường hợp khủng hoảng ngân hàng. Ý tưởng về một liên minh ngân hàng đã được thảo luận từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng nợ và các nước EU đang cố gắng hoàn tất kế hoạch này.

Nhận định sau cuộc thảo luận, Chủ tịch Dijsselbloem cho biết các ý tưởng đã rõ ràng hơn, nhưng còn nhiều việc phải làm. Ông kêu gọi các bộ trưởng cùng giảm bất đồng để có thể đề xuất ý kiến chung lên các nhà lãnh đạo EU trong Hội nghị thượng đỉnh ngày 15/12 tới.

Một chủ đề không được đưa ra thảo luận tại hội nghị là người kế nhiệm ông Dijsselbloem sau khi hết nhiệm kỳ vào tháng 1/2018. Hiện chưa có ứng cử viên chính thức nào, song tin đồn nhắc tới những cái tên như Mario Centeno người Bồ Đào Nha, Pierre Gramegna người Luxembourg, và Peter Kazimir người Slovakia, người duy nhất công khai ý định kế nhiệm ông Dijsselbloem./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục