Các phản ứng tiềm tàng của Trung Quốc đối với AUKUS

Đối với các nhà tư tưởng chiến lược Trung Quốc, nguy cơ thực sự và thách thức cốt lõi của AUKUS là nó sẽ thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các phản ứng tiềm tàng của Trung Quốc đối với AUKUS ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) gặp mặt Thủ tướng Australia - Scott Morrison (giữa) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) tại Anh hồi tháng 6/2021. (Nguồn The Australian).

Theo trang mạng asiatimes.com, hơn một tháng đã trôi qua kể từ khi thỏa thuận an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) được công bố.

Mặc dù thỏa thuận bao gồm hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nhưng khía cạnh đáng chú ý nhất của mối quan hệ hợp tác này là hợp đồng bán tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân - một “viên ngọc quý” của công nghệ quân sự Mỹ - cho Australia.

Mặc dù AUKUS không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng có thể hiểu rõ rằng Trung Quốc là động cơ thúc đẩy sự hình thành quan hệ đối tác này. Xét tới phạm vi của AUKUS và khung thời gian thực hiện tương đối dài, hiện có 4 cách để phân tích các phản ứng của Trung Quốc dựa trên đánh giá của nước này về mối đe dọa từ AUKUS, tác động của AUKUS đối với tiến trình không phổ biến hạt nhân, các tính toán của Trung Quốc và cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Đánh giá về mối đe dọa AUKUS

Trung Quốc hiện lo lắng về việc Australia có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng không coi đây là mối đe dọa cấp bách. Họ hiện quan ngại về tác động mà các tàu ngầm như vậy có thể gây ra đối với các lĩnh vực hàng hải của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan.

Do đó, Bắc Kinh đã tập trung vào tác động địa chính trị của thỏa thuận và lên án AUKUS, cho rằng đó là sản phẩm của “tâm lý Chiến tranh Lạnh” giữa Canberra, London và Washington. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cho rằng AUKUS sẽ làm suy yếu an ninh và ổn định của khu vực.

Một số đã đánh đồng AUKUS với một "phiên bản NATO châu Á," với tiềm năng mở rộng để bao gồm các quốc gia cùng chí hướng khác. Bất luận mức độ nghiêm trọng của thách thức này, Bắc Kinh cũng có động lực để “chờ xem” tác động thực sự của nó, vì các chi tiết vẫn còn khó nắm bắt và các cuộc tham vấn sẽ mất thời gian.

[Thỏa thuận AUKUS có thể làm gia tăng rủi ro năng lượng với Trung Quốc]

Hiện Trung Quốc vẫn chưa rõ liệu các tàu ngầm sẽ được chế tạo hay chúng sẽ được chuyển giao từ hạm đội Mỹ đã “nghỉ hưu.”

Ngoài ra, Bắc Kinh tin rằng AUKUS có thể bị loại bỏ bởi các chuyển đổi chính trị trong tương lai trong chính phủ Australia, đặc biệt là khi xem xét chi phí tài chính và chiến lược cao của nó.

Việc ba cựu thủ tướng Australia bày tỏ những phản ứng khác nhau đối với AUKUS đã khiến Trung Quốc hy vọng rằng đây có thể không phải là một thỏa thuận đã hoàn tất.

Tác động đến tiến trình không phổ biến hạt nhân

Những lời công kích mạnh mẽ nhất của Trung Quốc nhằm vào AUKUS tập trung vào các tác động của nó đối với tiến trình không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã đưa ra tuyên bố hôm 16/9 tại Vienna về “các hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân công khai” của thỏa thuận này.

Ông kêu gọi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công khai lên án AUKUS, mà theo ông, nó thể hiện “tiêu chuẩn kép” mà Mỹ và Anh đang theo đuổi trong xuất khẩu hạt nhân.

Theo Guo Xiaobing - chuyên gia nổi tiếng về kiểm soát vũ khí của Trung Quốc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Vũ khí tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR) - AUKUS vi phạm sứ mệnh và nghĩa vụ cốt lõi của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) theo 5 cách khác nhau:

- Góp phần vào sự gia tăng của hệ thống phân phối vũ khí hủy diệt hàng loạt.
- Góp phần vào sự gia tăng của các vật liệu phân hạch có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
- Có khả năng dẫn đến sự phổ biến của các công nghệ làm giàu urani.
- Làm suy yếu NPT vì tạo ra một tiền lệ xấu.
- Có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Các tính toán của Trung Quốc

Do tác động của AUKUS không xuất hiện ngay lập tức, nên các phản ứng của Trung Quốc sẽ cần có thời gian để bộc lộ. Hiện tại, Trung Quốc dường như ưu tiên tìm hiểu phạm vi và chi tiết của AUKUS, đồng thời lên án tính hợp pháp của nó vì các lý do địa chính trị và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, để trả đũa, một số đã đề xuất các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung đối với Australia thông qua thương mại.

Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu, đã kêu gọi "không khoan nhượng" với Australia nếu Canberra dám "cho rằng họ đã có được khả năng đe dọa Trung Quốc khi giờ đây họ có tàu ngầm hạt nhân và tên lửa.”

Ông cũng đề xuất rằng Trung Quốc nên “giết gà để dọa khỉ” nếu Australia có bất kỳ động thái quân sự hung hăng nào. Trong trường hợp nhận thấy các cuộc tấn công từ Australia, điều này có thể có nghĩa là Trung Quốc sẽ trả đũa bằng quân sự.

Cuộc chạy đua vũ trang

Đối với các nhà tư tưởng chiến lược Trung Quốc, nguy cơ thực sự và thách thức cốt lõi của AUKUS (và sự xây dựng liên minh tổng thể của Mỹ trong khu vực) là nó sẽ thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mặc dù Bắc Kinh cho rằng mục tiêu củng cố quân đội của họ là để bù đắp hoặc làm suy yếu sự thống trị của quân đội Mỹ trong khu vực, thay vì nhắm vào bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, nhưng các quan chức Trung Quốc dường như đang “đau đớn” nhận ra rằng việc hiện đại hóa quân đội của họ đã khiến các đối thủ trong khu vực tìm kiếm các vũ khí mới.

Rõ ràng, Bắc Kinh đang nhận ra rằng các hành động của họ đã góp phần vào một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Điều đáng lo ngại hơn đối với Trung Quốc là cuộc chạy đua vũ trang này diễn ra giữa một bên là Trung Quốc, và một bên là Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của họ. Do đó, Bắc Kinh phải chống lại nhiều quốc gia cùng một lúc.

Điều đáng buồn không kém đối với Trung Quốc là cuộc chạy đua vũ trang này được tạo ra, thúc đẩy và tiếp viện bởi Mỹ. Bắt đầu từ việc cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, Trung Quốc tin rằng Mỹ sẽ tiếp nhận và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các đồng minh và đối tác trong khu vực để có được các hệ thống vũ khí mới hơn và tiên tiến hơn, ngay cả khi chúng không phải là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Bắc Kinh phải quyết định xem họ nên “từ bỏ,” “theo đuổi” hay “tăng cường” hơn nữa trong cuộc chạy đua vũ trang này. Các lựa chọn “theo đuổi” hay “tăng cường” gợi nhắc Trung Quốc về sự sụp đổ của Liên Xô và cách Moskva đã vắt kiệt nguồn lực của mình trong cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ.

“Từ bỏ” dường như không phải là một lựa chọn bởi Bắc Kinh khó có thể từ bỏ tham vọng của mình trong khu vực. Bắc Kinh có thể kêu gọi các cuộc đối thoại kiểm soát vũ khí, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi sự thỏa hiệp, và không rõ Trung Quốc có mong muốn điều này vào thời điểm hiện nay hay không. Tuy nhiên, AUKUS có thể buộc Trung Quốc đưa ra những quyết định khó khăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục