Campuchia kêu gọi ASEAN+3 tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên hợp tác

Bốn lĩnh vực ưu tiên gồm an toàn về y tế công; xây dựng năng lực của các doanh nghiệp; sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển trên cơ sở kế thừa Kế hoạch Hợp tác ASEAN+3.
Campuchia kêu gọi ASEAN+3 tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên hợp tác ảnh 1Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn ngày 3/8 đã tham dự các phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 22, diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Với đối tác Hàn Quốc, các bộ trưởng tham dự hội nghị hoan nghênh bước tiến triển về hợp tác ASEAN-Hàn Quốc và nhắc lại cam kết tăng cường quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc thông qua chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc.

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ mạnh mẽ của Hàn Quốc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 và sự hỗ trợ này đã được chứng minh qua Đối thoại Y tế ASEAN-Hàn Quốc.

Tại Hội nghị, ông Prak Sokhonn khuyến khích tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, thành phố thông minh, phát triển hạ tầng nông thôn và đô thị. Ông Sokhonn cũng tận dụng cơ hội để cảm ơn Hàn Quốc đã cung cấp vaccine và thiết bị y tế giúp Campuchia chống dịch COVID-19.

Với đối tác Trung Quốc, Hội nghị hài lòng về các thành quả đạt được trong Quan hệ Đối thoại ASEAN-Trung Quốc và hoan nghênh kết quả của Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc diễn ra ngày 7-8/6 tại Trùng Khánh (Trung Quốc) nhằm kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Hai bên khẳng định cam kết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Về vấn đề Biển Đông, ASEAN và Trung Quốc hoan nghênh nối lại đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong thời gian sớm nhất.

[ASEAN+3: Trung Quốc kêu gọi thúc đẩy sự hồi phục kinh tế toàn diện]

Về phía Campuchia, ông Sokhonn nhấn mạnh tầm quan trọng phải đảm bảo giao thương qua biên giới và chuỗi cung ứng không bị cản trở và phát huy được tất cả các thế mạnh của Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP).

Ông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng phải đẩy mạnh thực hiện Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về hợp lực triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Với đối tác Nhật Bản, ASEAN đánh giá cao việc Nhật Bản cung cấp vaccine, hỗ trợ khôi phục kinh tế-xã hội thông qua hỗ trợ tài chính phát triển và tăng cường khả năng ứng khó của khu vực bằng việc thành lập Trung tâm ASEAN về ứng phó các vấn đề y tế công khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Nhật Bản hỗ trợ tăng cường kết nối hạ tầng khu vực, trong đó có Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn kêu gọi Nhật Bản có thêm các dự án hợp tác để có thể phối hợp giữa MPAC 2025 và Đối tác Mở rộng vì Hạ tầng chất lượng.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 22 diễn ra cùng ngày ghi nhận vai trò dẫn dắt của hợp tác ASEAN+3 trong việc giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 và đánh giá cao sự hỗ trợ của ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đối với các nước thành viên ASEAN, cũng như đóng góp của ba nước này cho Sáng kiến chống COVID-19 của ASEAN. Hội nghị mong muốn các nước sớm phê chuẩn và đưa vào thực thi RCEP vì lợi ích kinh tế của các nước tham gia và của cả khu vực.

Về phía Campuchia, ông Sokhonn kêu gọi ASEAN+3 tập trung vào bốn lĩnh vực ưu tiên hợp tác gồm an toàn về y tế công, xây dựng năng lực của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ, sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và năng lượng bền vững, phát triển trên cơ sở kế thừa Kế hoạch Hợp tác ASEAN+3 giai đoạn 2023-2027./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục