Cân bằng, hài hòa giữa phát triển du lịch và gìn giữ di sản văn hóa là chủ đề được nhiều đại biểu và công chúng quan tâm, bàn luận tại hội thảo “Du lịch có trách nhiệm và Di sản văn hóa” diễn ra chiều 3/4 tại Hà Nội.
Hội thảo do Dự án Chương trình phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ (gọi tắt là Dự án EU-ESRT) tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) với chủ đề "Việt Nam đất nước của các di sản", diễn ra từ ngày 3-6/4 tại Hà Nội.
Hội thảo được chia thành hai phiên với chủ đề "Nâng cao nhận thức về Di sản văn hóa và du lịch ở Việt Nam" và "Năm Du lịch Việt Nam-Kết nối các di sản."
Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Hà Nội, bà Dương Bích Hạnh trình bày bức tranh tổng quan về di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam cùng những khó khăn và thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong hoạt động du lịch.
Ông Kai Partale, chuyên gia của Dự án EU-ESRT nhấn mạnh sự cần thiết phải kết nối chặt chẽ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các nguyên tắc và hoạt động du lịch có trách nhiệm.
Chuyên gia này cho rằng Việt Nam cần tiếp thị các sự kiện văn hóa nổi bật, lồng ghép những lời khuyên hữu ích dành cho du khách khi tham gia các sự kiện này. Cũng theo ông Kai, để các di sản văn hóa hấp dẫn khách du lịch, cần xây dựng các tuyến du lịch theo chủ đề, mang đậm tính văn hóa, tăng cường thông tin cho du khách, đặc biệt là các công cụ thông tin trực tuyến.
Tại hội thảo, vấn đề trọng tâm được đặt ra cho các diễn giả chính là làm sao để cân bằng giữa phát triển du lịch với bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa. Di sản văn hóa luôn được coi là tài nguyên du lịch quan trọng, hiện đang được khai thác, là yếu tố không thể thiếu trong nhiều chương trình du lịch. Tuy nhiên trong vấn đề này thách thức lớn nhất là phải đảm bảo tăng trưởng du lịch nhưng không để lại những hậu quả tiêu cực cho văn hóa và môi trường bản địa.
Ý kiến của đại diện UNESCO cho rằng UNESCO công nhận các di sản văn hóa, thiên nhiên trên thế giới, trong đó có các di sản của Việt Nam không phải vì mục tiêu giúp các nước phát triển kinh tế mà là muốn tôn vinh các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, góp phần cùng quốc gia có di sản được công nhận bảo vệ, phát huy giá trị của di sản đó.
Tuy nhiên, sau khi được UNESCO công nhận, di sản đó thường được nhân dân nhiều quốc gia khác mong muốn đến chiêm ngưỡng. Chính điều này đã giúp địa phương và quốc gia có di sản được UNESCO công nhận phát triển du lịch, cải thiện đời sống xã hội.
Thống kê chưa đầy đủ của UNESCO cho thấy ở những nơi có di sản được công nhận đã thu hút du khách đến thăm đông hơn, ở lại lâu hơn 2,5 lần và đương nhiên là chi tiêu nhiều hơn so với các nơi khác.
Ở Việt Nam hiện có 8 khu di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận nhưng không phải ở di sản nào cũng thu hút được đông đảo khách du lịch đến hàng năm. Ở những nơi có di sản được công nhận, việc bảo tồn phải được đặt lên hàng đầu bởi phát triển du lịch cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với nguy cơ mai một bản sắc, môi trường ô nhiễm, quá tải du khách so với sức chứa của di sản..., gây tổn hại cho di sản.
Một trong những quan điểm chủ đạo được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là: “Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc…", điều này cũng đồng nghĩa với việc phát triển du lịch không được gây tổn hại hoặc đánh mất các giá trị di sản văn hóa.
Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) luôn quan tâm đến các giải pháp hữu hiệu để đảm bảo cho ngành du lịch và tất cả các bên liên quan trong việc quản lý bền vững các di sản văn hóa, đặc biệt là những di sản đã được UNESCO công nhận.
Toàn ngành du lịch đang nỗ lực để đảm bảo phát triển du lịch đồng thời tạo động lực, nguồn lực bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Việc này được thực hiện thông qua các chương trình cải thiện năng lực quản lý để quy hoạch và quản lý hiệu quả lượng khách du lịch và các tác động liên quan tại các điểm di sản; tăng cường chính sách hỗ trợ cho việc bảo tồn các nguồn lực văn hóa và môi trường trong chính sách và quy hoạch du lịch...
Bên cạnh đó việc cao nhận thức của các thành phần tham gia vào quá trình kinh doanh du lịch và khách du lịch về bảo tồn, phát huy giá trị di sản là những nội dung đang được Tổng cục Du lịch đề xuất, thực hiện và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của công tác quản lý nhà nước về du lịch trong những năm tới./.