Triển lãm ảnh và tư liệu về sự hồi sinh của các di sản Huế

Triển lãm "Sự hồi sinh của Di sản Huế" trưng bày, giới thiệu hơn 100 bức ảnh, tư liệu được chụp trong các giai đoạn lịch sử, giúp người xem nhìn lại chặng đường hồi sinh của di sản Huế.
Triển lãm ảnh và tư liệu về sự hồi sinh của các di sản Huế ảnh 1Một góc triển lãm "Sự hồi sinh của Di sản Huế." (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Thừa Thiên-Huế (26/3/1975-26/3/2015), ngày 26/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khai mạc triển lãm "Sự hồi sinh của Di sản Huế."

Triển lãm trưng bày, giới thiệu hơn 100 bức ảnh, tư liệu được chụp trong các giai đoạn lịch sử, giúp người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ nhìn lại chặng đường hồi sinh của di sản Huế, vươn lên từ đổ nát để tiếp tục tỏa sáng, phát huy giá trị trong thời đại mới.

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết Cố đô Huế là nơi may mắn còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý báu của Việt Nam, trong đó quần thể kiến trúc cố đô, với nhiều cung điện, lầu gác, đình tạ, hệ thống thành lũy, pháo đài phòng thủ... mang đặc trưng kiến trúc cung đình Nguyễn đầu thế kỷ 19. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Thừa Thiên-Huế mà còn của nhân dân cả nước.

Tính toàn vẹn của quy hoạch đô thị và thiết kế xây dựng đã đưa cố đô Huế trở thành một mẫu mực hiếm có về quy hoạch đô thị vào cuối thời kỳ phong kiến ở Đông Á.

Những giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể Di tích Cố đô Huế đã được cả thế giới công nhận. Tuy nhiên, trải qua thời gian, dưới những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và chiến tranh khốc liệt, nhiều công trình kiến trúc triều Nguyễn đã bị phá hủy nặng nề.

Với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và những nỗ lực vượt bậc của chính phủ và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là của chính quyền và nhân dân Thừa Thiên-Huế, quần thể Di tích Cố đô Huế đã dần được hồi sinh, góp phần khẳng định và tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam trên toàn thế giới.

Qua triển lãm, tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục bồi đắp, nuôi dưỡng lòng tự hào, tự tôn dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn trong thế hệ trẻ để yêu quý hơn vùng đất có truyền thống anh hùng, luôn trân trọng, giữ gìn các giá trị di sản để tiếp tục phát triển và hội nhập, làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong công cuộc xây dựng quê hương Thừa Thiên-Huế ngày càng giàu đẹp.

Cùng ngày, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức khánh thành dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị cụm di tích Thái Bình Lâu-Vườn Thiệu Phương, Đại nội Huế.

Dự án có tổng giá trị đầu tư gần 17,42 tỷ đồng, được triển khai thực hiện từ tháng 8/2010 đến tháng 3/2015.

Triển lãm ảnh và tư liệu về sự hồi sinh của các di sản Huế ảnh 2Quang cảnh lễ khánh thành. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Thái Bình Lâu là một kiến trúc độc đáo gồm hai công trình Tiền Doanh và Hậu doanh nối kết với nhau. Hậu doanh là một tòa nhà một tầng được lợp bằng ngói liệt tráng men. Tiền doanh là một tòa nhà hai tầng được lợp bằng ngói âm dương tráng men hoàng lưu ly.

Không chỉ đặc sắc về kết cấu kiến trúc, Thái Bình Lâu còn đặc sắc với nghệ thuật khảm sành sứ. Hầu hết các mô típ trang trí ở đây đều là những tác phẩm hết sức có giá trị của nền mỹ thuật Việt Nam. Vì vậy, việc phục hồi các hoa văn họa tiết khảm sành sứ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của dự án, đòi hỏi sự đầu tư trí tuệ, tay nghề của cán bộ làm khoa học bảo tồn cũng như các nghệ nhân tham gia thực hiện dự án.

Với yêu cầu bảo tồn tối đa các họa tiết nguyên gốc, phần lớn các họa tiết đã được hạ giải an toàn và sau khi vệ sinh khoa học đã được lắp dựng trở lại đúng vị trí nguyên gốc.

Sau khi bảo tồn, tôn tạo xong công trình này, Trung tâm đang tiếp tục thực hiện công việc tái hiện lại phần nào không gian nội thất của Thái Bình Lâu. Hiện nay, các tư liệu viết tay, tư liệu ảnh liên quan đến nội thất công trình Thái Bình lâu là rất ít, nếu không muốn nói là hầu như không có nguồn thông tin gì.

Mới đây, trong khi sưu tầm tài liệu về di tích Huế, các chuyên gia tình cờ phát hiện được một bức ảnh về nội thất Thái Bình Lâu. Đây là cơ sở rất quan trọng để tái hiện phần nào nội thất Thái Bình Lâu với các vật dụng trang trí trong công trình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục