Cần có chế tài đủ mạnh đối với tội phạm làm giả thuốc tân dược

“Tội phạm bán ma túy đang chuyển sang kinh doanh dược phẩm giả vì rủi ro thấp và lợi nhuận cao.” là nhận định của Ông Jean-David Levitte, Chủ tịch IRACM trong Hội thảo phòng chống thuốc tân dược giả.
Cần có chế tài đủ mạnh đối với tội phạm làm giả thuốc tân dược ảnh 1Ông Jean-David Levitte, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc tế về chống thuốc tân dược giả phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Ông Jean-David Levitte, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc tế về chống thuốc tân dược giả ( IRACM) cho biết tình hình tội phạm sản xuất, buôn bán dược phẩm giả đang ngày càng nghiêm trọng, gia tăng trên toàn thế giới và không có loại thuốc nào không bị ảnh hưởng bởi thuốc giả. Vì vậy, đã đến lúc các quốc gia cần có chế tài đủ sức răn đe với loại tội phạm này.

Theo ông Jean-David Levitte, các quốc gia đã tham gia ký kết theo công ước Palermo của Liên Hợp Quốc cần đồng loạt áp dụng án phạt tối thiểu dành cho loại tội phạm này là 4 năm tù.

Nhận định này được ông Jean-David Levitte đưa ra trong khuôn khổ Hội thảo khu vực về phòng ngừa và đấu tranh chống buôn bán thuốc tân dược giả, diễn ra từ ngày 14-16/10, tại Hà Nội.

Ông Jean-David Levitte cũng nhấn mạnh rằng thủ đoạn làm thuốc giả đang ngày càng trở nên tinh vi và đặc biệt có xu hướng tội phạm bán ma túy chuyển sang kinh doanh dược phẩm giả vì rủi ro thấp và lợi nhuận cao.

Chia sẻ với ý kiến này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hiển-Phó Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) bày tỏ mong muốn cùng phối hợp với Bộ Nội vụ Pháp và các Tổ chức quốc tế ngăn chặn nạn buôn bán thuốc giả tại Việt Nam cũng như trong khu vực.

[Bộ trưởng Y tế ASEAN bàn các giải pháp chống lại thuốc giả]

Ông Hiển cho hay hàng năm, lực lượng Công an Việt Nam đã tổ chức phát hiện, xác lập nhiều chuyên án, vụ án để điều tra xử lý các đối tượng, đường dây sản xuất, buôn bán dược phẩm giả, kém chất lượng có quy mô lớn. Kết quả xử lý đã có tác dụng răn đe với các đối tượng vi phạm, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và cho thấy nỗ lực trong việc thực thi pháp luật và các cam kết của Việt Nam về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Chính vì vậy, hội thảo là cơ hội để Việt Nam cùng các nước thảo luận để đưa ra những đề xuất và khuyến nghị chung trên phương diện quốc gia và khu vực nhằm nâng cao hiệu quả của công cuộc đấu tranh chống loại tội phạm nguy hiểm này. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác trên phương diện chính sách y tế cũng như tăng cường khung luật pháp và hợp tác khu vực giữa các cơ quan chịu trách nhiệm thực thi pháp luật.

Được biết, hội thảo do Bộ Nội vụ Pháp phối hợp với Viện nghiên cứu quốc tế về chống thuốc tân dược giả (IRACM) tổ chức luân phiên tại các nước ASEAN. Hội thảo lần này có sự tham dự của đại diện các cơ quan chức năng trong các lĩnh vực hải quan, tư pháp, cảnh sát và y tế của 6 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam; các chuyên gia thuộc các cơ quan chuyên ngành của Pháp và các tổ chức quốc tế như UNODC và Interpol./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục