Căng thẳng thương mại cần phải được các nước liên quan giải quyết

Bộ trưởng Tài chính Argentina Nicolas Dujovne cho rằng căng thẳng thương mại tồn tại giữa các nước thuộc Nhóm G20 phải được giải quyết giữa các nước trực tiếp liên quan.
Căng thẳng thương mại cần phải được các nước liên quan giải quyết ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Argentina Nicolas Dujovne (trái) và Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 12/10, Bộ trưởng Tài chính Argentina Nicolas Dujovne cho rằng căng thẳng thương mại tồn tại giữa các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) phải được giải quyết giữa các nước trực tiếp liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp báo tại đảo Bali của Indonesia, Bộ trưởng Dujovne nói: "Chúng tôi thừa nhận rằng chúng ta hiện đang phải đối mặt với những căng thẳng thương mại giữa các nước thành viên G20. Một phần của những căng thẳng đó sẽ phải được các nước thành viên này giải quyết."

Theo ông Dujovne, G20 có thể đóng vai trò trong việc cung cấp diễn đàn cho các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, những bất đồng dai dẳng nên được các nước thành viên trực tiếp liên quan giải quyết.

[Diễn đàn doanh nghiệp G20 cam kết bảo vệ tự do thương mại]

Argentina hiện là Chủ tịch luân phiên G20 năm 2018. Phát biểu trên được Bộ trưởng Dujovne đưa ra sau khi chủ trì Hội nghị Bộ trưởng tài chính các nước thành viên G20 tại đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia.

Căng thẳng thương mại gia tăng giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, đang có nguy cơ gây bất ổn cũng như kìm hãm các hoạt động kinh tế một cách nghiêm trọng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng Tổng sản phẩm GDP toàn cầu xuống mức 3,7% trong năm nay và năm 2019.

Bản thân Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng cảnh báo căng thẳng thương mại nếu tiếp tục sẽ "đánh mạnh" vào nền kinh tế thế giới, tác động trên toàn chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà kêu gọi các bên sớm hạ nhiệt căng thẳng và nỗ lực xây dựng một hệ thống thương mại toàn cầu vững mạnh, công bằng và thúc đẩy tăng trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục