Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn khó đảm bảo hoàn thành vào cuối 2019

Vấn đề khó khăn về nguồn vốn dự án xây dựng cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn đã được giải quyết., tuy nhiên, do mặt bằng chưa được bàn giao xong nên khó đảm bảo tiến độ hoàn thành cao tốc vào cuối năm 2019.
Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn khó đảm bảo hoàn thành vào cuối 2019 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Huy Hùng/TTXVN)

Tại dự án xây dựng cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, khó khăn nguồn vốn đã được giải quyết, tuy nhiên, do mặt bằng chưa được bàn giao xong nên khó đảm bảo tiến độ hoàn thành cao tốc này theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo yêu cầu của Bô Giao thông Vận tải, tuyến cao tốc này sẽ phải hoàn thành đầu năm 2019 để nối thông tuyến đường cao tốc từ Hà Nội đến Bắc Giang, nhằm tạo động lực thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh khu vực phía Bắc nói chung và Bắc Giang, Lạng Sơn nói riêng.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn-Hữu Nghị có vị trí đặc biệt quan trọng trong hành lang kinh tế kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, mở rộng giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tuyến đường này được xác định là một trong 6 tuyến giao thông quan trọng của hệ thống đường cao tốc hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội.

Hiện 5 tuyến cao tốc nối Thủ đô Hà Nội với thành phố Hải Phòng, tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Lào Cai và Thái Nguyên đã đầu tư hoàn thiện và đi vào khai thác; riêng tuyến cao tốc Hà Nội-Cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) hiện còn hơn 100km đang triển khai xây dựng, được xem là “nút thắt” cuối cùng để thông nối toàn tuyến cao tốc Hà Nội đi Cửa khẩu Hữu Nghị.

Dự án cao tốc Hà Nội-Cửa khẩu Hữu Nghị được chia làm 3 đoạn: Hà Nội-Bắc Giang (dài 45km) đã đi vào khai thác từ năm 2016; Bắc Giang-Lạng Sơn (dài 64km) khởi công từ tháng 3/2016, dự kiến cuối năm 2019 hoàn thành và đoạn Chi Lăng-Hữu Nghị thuộc tỉnh Lạng Sơn (dài 43km) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, tốc độ thiết kế 80km/h vừa được động thổ trong tháng 9/2018.

Theo Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn, hiện khó khăn về mặt bằng chủ yếu tại địa bàn tỉnh Bắc Giang. Cụ thể, tại huyện Lạng Giang (Bắc Giang) còn vướng 10 vị trí chưa bàn giao mặt bằng. Tại thành phố Bắc Giang còn vướng 2 vị trí chưa bàn giao mặt bằng.

Đặc biệt, nhiều mặt bằng đã được bàn giao nhưng người dân cản trở thi công; trong đó huyện Lạng Giang có 2 vị trí. Cụ thể lý trình Km4+160-Km4+260 của đường gom Khu công nghiệp Hương Sơn vướng 5 hộ cản trở thi công và Km95+209 cửa hầm chui dân sinh vướng 1 hộ cản trở thi công đối với thửa đất được xác định là đất hành lang giao thông.

Tại thành phố Bắc Giang, Km109+000 phạm vi đường hoàn trả Quốc lộ 1 vướng 1 hộ cản trở thi công đối với thửa đất được xác định là đất giao thông.

Để đảm bảo có mặt bằng cho các nhà thầu thi công, Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Lạng Giang và thành phố Bắc Giang có các giải pháp giải quyết các vướng mắc còn tồn tại; tổ chức cưỡng chế, bảo vệ thi công để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.

Đặc biệt, đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Lạng Giang hỗ trợ bảo vệ thi công đối với các điểm đã bàn giao mặt bằng nhưng bị người dân cản trở thi công.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn cho biết, cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn đi qua nhiều địa bàn của 2 tỉnh, do đó phạm vi giải phóng mặt bằng rất lớn, hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng và hàng trăm hộ dân phải tái định cư.

Vì vậy, việc triển khai các thủ tục thu hồi đất để thực hiện dự án được địa phương thực hiện từ khá lâu và quyết liệt. Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn, chính sách đất đai có nhiều thay đổi nên việc giải phóng mặt bằng chưa được như mong đợi.

[Nhà đầu tư đề xuất thu phí Quốc lộ 1 qua tỉnh Lạng Sơn từ ngày 1/6]

Cũng theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, hiện nay, nhà đầu tư đã chuyển đủ kinh phí giải phóng mặt bằng cho địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong việc này. Đặc biệt, công ty đã bố trí cán bộ tham gia cùng các huyện thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư.

Để bảo đảm tiến độ thi công tuyến cao tốc Bắc Giang- Lạng Sơn hoàn thành vào đầu năm 2019, ông Nguyễn Quang Vĩnh đánh giá việc bàn giao mặt bằng của địa phương cho các nhà thầu thi công đóng vai trò quyết định.

Do vậy chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ, hợp lực với chủ đầu tư, nhà thầu thi công giải quyết dứt điểm các vướng mắc để bàn giao mặt bằng cho dự án trong tháng 10 này.

Ông Hà Mạnh Hùng, Giám đốc điều hành gói thầu XL10 và XL20 (Công ty cổ phần Licogi 166) chia sẻ, hiện tại hai gói thầu do công ty thực hiện đã hoàn thành cơ bản, chỉ còn một số điểm nút chưa giải phóng được mặt bằng. Tuy nhiên, nếu trong tháng 10 không nhận được mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ về đích vào tháng 1/2019.

Tại gói thầu XL15 (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Minh Đăng) hiện còn vướng mắc 5 điểm về giải phóng mặt bằng nên sản lượng toàn gói mới đạt 64%.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Minh Đăng cũng cho biết sẽ không thể hoàn thành đúng khối lượng đã cam kết, nếu chưa nhận được mặt bằng sạch.

Về phía chính quyền địa phương, tại Thông báo số 292/TB-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành ngày 11/10/2018 đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Giang tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về mặt bằng trên tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn trong tháng 10/2018 (bao gồm 7 hộ tái định cư thuộc xã Dĩnh Trì và phần đất nông nghiệp mới phát sinh).

Thông báo này cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Lạng Giang đôn đốc các hộ đã nhận tiền đền bù khẩn trương bàn giao mặt bằng đảm bảo xong trước ngày 15/10/2018. Đối với 2 hộ chưa nhận tiền, Ủy ban Nhân dân huyện cần tập trung giải quyết dứt điểm trong tháng 10/2018, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế.

“Riêng một hộ đang có tranh chấp, đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Lạng Giang tiếp tục triển khai thực hiện sau khi tỉnh giải quyết xong đơn của công dân. Đồng thời tiếp tục tập trung đôn đốc việc di chuyển cột điện cao thế 110kV đảm bảo xong trước tháng 10/2018,” là nội dung của thông báo này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục