Cấp cứu trong 'thời gian vàng,' cứu sống bệnh nhân bị đứt rời bàn tay

Ông O. nhập viện trong tình trạng khá nặng, cổ tay trái bị đứt rời hoàn toàn, mất nhiều máu nhưng nhờ được chuyển đến cấp cứu trong khoảng "thời gian vàng," ông được phẫu thuật kịp thời.
Cấp cứu trong 'thời gian vàng,' cứu sống bệnh nhân bị đứt rời bàn tay ảnh 1Sau phẫu thuật, nam bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), Khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ của bệnh viện vừa tiến hành phẫu thuật nối thành công bàn tay trái bị đứt rời cho bệnh nhân N.V.O. (50 tuổi, tại quận Ba Đình).

Sau 10 ngày phẫu thuật, bàn tay trái của bệnh nhân đã hồng hào và "sống" trở lại. Hiện nay, bệnh nhân bắt đầu bước vào quá trình tập phục hồi chức năng bàn tay để khôi phục lại khả năng lao động và làm việc.

Theo Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, ông O. nhập viện do tai nạn sinh hoạt vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 25/1 trong tình trạng khá nặng, cổ tay trái bị đứt rời hoàn toàn, mất nhiều máu.

Bệnh nhân đã được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay trong giờ đầu tiên. Sau khi được sơ cứu và làm các xét nghiệm cần thiết, ông O. được phẫu thuật nối bàn tay bằng kỹ thuật vi phẫu.

[Nối thành công da đầu cho bệnh nhân bị lột da rộng và phức tạp]

Các bác sỹ Khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ kết hợp với các êkíp phòng mổ đã nỗ lực để cứu bàn tay của bệnh nhân. Trong 7 tiếng đồng hồ, êkíp phẫu thuật đã tiến hành nối gân, kết hợp xương, nối thần kinh, mạch máu cho bệnh nhân.

Tiến sỹ Uông Thanh Tùng, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết đây là ca phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi đội ngũ y, bác sỹ phải có tay nghề cao và sự phối hợp tốt.

Bệnh nhân đã được chuyển đến cấp cứu trong khoảng "thời gian vàng" nên được phẫu thuật kịp thời. Sau ca phẫu thuật, bàn tay trái của bệnh nhân được nối lại thành công.

Các bác sỹ khuyến cáo nếu gặp trường hợp đứt lìa hay gần lìa tay, chi thể cần phải làm sạch vết thương bằng nước hoặc nước muối sinh lý (nếu có). Sau đó, quấn băng hoặc vải sạch quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi nhựa mỏng, buộc miệng túi lại và bảo quản trong môi trường lạnh; tránh để phần chi bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá dễ gây bỏng lạnh sẽ không thể khâu nối lại được.

"Thời gian vàng" để khâu nối bộ phận cơ thể bị đứt lìa là 6 tiếng kể từ sau tai nạn. Vì vậy, mọi người cần đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu phần chi thể được bảo quản đúng và được phẫu thuật sớm, tỷ lệ thành công sau mổ sẽ cao hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục