Câu chuyện chàng trai 9X Trung Quốc đầu tiên tham gia chống IS

Huỳnh Lỗi đã rời khỏi nước Anh sau khi nói chuyện với thầy giáo rằng anh muốn đến Trung Đông và ngay sau đó trở thành người Trung Quốc đầu tiên gia nhập Tổ chức Phòng vệ Nhân dân người Kurd (YPG).
Câu chuyện chàng trai 9X Trung Quốc đầu tiên tham gia chống IS ảnh 1Một tấm ảnh được Huỳnh Lỗi đăng tải lên weibo. (Nguồn: weibo)

Tháng 3/2015, Huỳnh Lỗi lần đầu tiên nhìn thấy người chết tại chiến trường. Anh rất sợ hãi. Người đó không phải do anh giết, họ là tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, là kẻ thù của anh.

Lần thứ hai, Huỳnh Lỗi cảm thấy hoang mang và tự hỏi "mình đang làm cái quái gì ở đây thế này?" nhưng cũng chẳng có thời gian để muộn phiền. Trên cùng một trận địa, những chiến binh đã ngã xuống "nếu họ không chết, thì chúng ta sẽ chết, thậm chí ngày càng nhiều những người vô tội sẽ bị họ giết chết."

Vài tuần sau, Huỳnh Lỗi đã học được cách sử dụng loại súng bắn tỉa tinh vi hơn rất nhiều AK47. "Ngày càng có cảm giác, vì bạn nhắm trúng mục tiêu sau đó với bắn. Đôi khi trong lúc ngắm đối phương thì cũng nhìn thấy đối phương đang ngắm bạn. Viên đạn bay đi nhưng không trúng mục tiêu. Anh cảm thấy hoang mang, và sau đó bóp cò. Người đối diện vội vã bỏ chạy," anh kể.

Theo trang china.com, trước khi đến Syria, Huỳnh Lỗi, chàng trai 22 tuổi này, mới chỉ đánh nhau với bạn một lần. Anh có bố là bác sỹ, mẹ là y tá. Cách đây 15 năm, gia đình họ sống ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nhưng sau đó họ đã di cư đến Anh.

Lẽ ra, Huỳnh Lỗi chẳng có quan hệ gì với đất nước Syria trước khi anh trở thành sinh viên khoa chính trị quốc tế của Đại học Manchester. Vào tháng Hai, anh đã rời khỏi nước Anh sau khi nói chuyện với thầy giáo rằng anh muốn đến Trung Đông.

Qua kênh BBC, Huỳnh Lỗi tìm hiểu thông tin về tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và biết Tổ chức Phòng vệ Nhân dân người Kurd (YPG) đang chiêu mộ các tình nguyện viên. Đây là tổ chức đối địch với IS. Anh đã viết thư xin gia nhập YPG và đã được chấp nhận. Họ hẹn gặp anh ở Iraq, và sẽ ra chiến trường qua con đường đó.

Huỳnh Lỗi đã chính thức "nhập ngũ" sau khi thông báo rằng anh không có tiền án tiền sự, thậm chí còn không cần các giấy tờ kiểm tra sức khỏe. Đương nhiên, những quan chức trong tổ chức cũng quan sát rất kỹ gương mặt mới này. Huỳnh Lỗi là người Trung Quốc đầu tiên trong hàng ngũ của họ. Trước đây, đã từng có tình nguyện viên người Mỹ, Anh, Australia gia nhập YPG, có một số là chiến binh già. Những người này hừng hực khí thế, bất chấp mọi rủi ro đến nơi nguy hiểm nhất thế giới. Đã có nhiều người bỏ mạng ở đây. Cáo phó được đăng tải trên Facebook của YPG.

Sự xa cách giữa Huỳnh Lỗi và chiến hữu được hóa giải trong những giây phút sống chết cùng nhau. Nơi này không có cái gọi là bí mật quân sự, càng chẳng cần nghi ngờ có gián điệp, kiểu như một nồi cháo nát được nấu từ những nguyên liệu cụ thể. Dùng lời của Huỳnh Lỗi thì đó là cuộc chiến của những thủ lĩnh: quân chính phủ Iraq, quân chính phủ Syria, lực lượng vũ trang địa phương người Kurd, IS, các lực lượng kháng chiến khác nhau trong đó có quân tự do Syria. Quân tự do là lực lượng kém chuyên nghiệp nhất, sau khi thủ lĩnh chết đi, nội bộ sẽ lục đục, khi thì chiến đấu với quân chính phủ, khi thì đối đầu với IS.

Ban đầu, Huỳnh Lỗi rất tự tin. 18 tuổi, anh đã từng đi lính cho Lục quân Anh nhưng trên đường đến trại quân đội của YPG, anh đã trải qua hết bất ngờ này đến bất ngờ khác: những chiếc xe bỏ lại trên đường, những mảnh sân bỏ hoang... tất cả đều có dấu tích của vết đạn. Đây không phải là trò chơi. Điều đáng sợ hơn là họ được trang bị những loại vũ khí rất lạc hậu. Anh từng đăng tải một đoạn video lên weibo, một chiếc xe tăng tự chế được kéo ra khỏi con ngõ nhỏ. Anh chẳng thể nào xác định được nó là loại phương tiện ở thời đại nào.

Sau khi gia nhập YPG, Huỳnh Lỗi đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau: binh sỹ phổ thông, tay súng bắn tỉa, biệt đội cơ động, lính cứu thương. Khi yêu cầu anh nói về cái chết, anh đã kể câu chuyện khi là lính bắn tỉa: "Đó chính là sự tàn sát." Anh ấp úng trong điện thoại: "Dù cho IS không phải là người nhưng việc tôi giết người, chĩa súng vào người khác, đều có cảm giác... tội lỗi."

Huỳnh Lỗi khá may mắn, chưa từng chịu vết thương nặng nào nhưng đã trúng đạn lạc vài lần. Những vết thương ngoài da đó không thể so sánh với những cú sốc tinh thần anh đã từng chịu đựng.

Đặc biệt, từ sau khi anh trở thành lính cứu thương, điều này càng được cảm nhận rõ nét. "Ở đây chẳng có thiết bị điều trị tốt lại không có bệnh viện chiến trường. Chiến tuyến và bệnh viện thông thường cách nhau hơn 30km. Tôi cảm thấy buồn bã mỗi khi chuyển người bị thương. Dù cũng đã sơ cứu qua nhưng đã có rất nhiều người không chịu đựng được để đến bệnh viện. Nhìn thấy những đồng đội ra đi ngay trước mặt, bạn thật sự cảm thấy xót xa."

Trên thực tế, hồi tháng Sáu, Huỳnh Lỗi đã bỏ ra hơn 20 phút để trả lời phỏng vấn bằng số điện thoại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Huỳnh nói: "Tham gia YPG đa phần là tình nguyện viên địa phương. Những cuộc huấn luyện nơi đây rất khó khăn, vũ khí thiếu thốn. Đa số tình nguyện viên còn rất trẻ. Nếu không có những cuộc không kích của Mỹ và các nước khác thì có lẽ họ cũng không kiên trì bám trụ nơi này. Người Mỹ đầu tiên xuất hiện ở Syria tham gia YPG cũng đã từng lên truyền hình kêu gọi sự giúp đỡ từ nước Mỹ."

Nơi này không có đèn, không có điện. Họ thường thức giấc bằng ánh Mặt Trời khi đã 8, 9 giờ sáng. Sau đó, họ kiểm tra vũ khí và vào vị trí.

Đối thủ của Huỳnh Lỗi, có rất nhiều người giống anh, đều là dân nhập cư thế hệ thứ hai của các nước phát triển. Họ gọi họ là "rác rưởi," rất nhiều trong số đó là lính đánh thuê, họ muốn chơi các trò chơi giết người đơn thuần.

Đây rõ ràng không phải là một trò chơi, thậm chí có thể bị hạ gục ngay lần đầu tiên.

Huỳnh Lỗi trở về Anh vào khoảng giữa tháng Sáu và Bảy. Anh bị cảnh sát đưa đi thẩm vấn ngay khi vừa xuống máy bay. Có lẽ rất khó để làm chính trị hay làm việc trong quân đội ở nước Anh, Chính phủ Anh đã liệt Huỳnh Lỗi vào danh sách bị giám sát đặc biệt.

Sau 18 tuổi, Huỳnh Lỗi đã chuyển ra sống riêng. Anh biết rất rõ những cái giá phải trả khi làm việc này. Có thể ngay cả tấm bằng tốt nghiệp có thể cũng tuột mất.

Một ngày tháng Bảy, anh vẫn đi làm thêm để tiết kiệm tiền trở lại Syria. Sau đó anh lật một tấm ảnh chụp với chiến hữu, trên đó có viết rằng: "Mới hai tuần trở lại mà đã mất đi 8 chiến hữu, hai người bị thương nặng..."

Tháng Tám, anh trở lại Syria./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục