Châu bản triều Nguyễn: Sau vinh danh là "bài toán" về bảo tồn, số hóa

Việc Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu đặt ra trách nhiệm đối với Việt Nam trong việc khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị của khối tài liệu này.
Châu bản triều Nguyễn: Sau vinh danh là "bài toán" về bảo tồn, số hóa ảnh 1Châu bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (Ảnh: An Ngọc/Vietnam+)

Việc Châu bản triều Nguyễn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu (thuộc chương trình “Ký ức thế giới” khu vực Châu Á-Thái Bình Dương) đã khẳng định giá trị và tầm ảnh hưởng của khối tư liệu này.

“Cùng với việc được vinh danh là trách nhiệm đặt ra đối với Việt Nam trong việc khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này,” giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ.

Giá trị kép

Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (1802-1945); được hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước, bao gồm: chiếu, khải, chỉ, tấu, quốc thư... Khối tài liệu này phản ánh mọi lĩnh vực của xã hội dưới triều Nguyễn từ chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, ngoại giao đến văn hóa, giáo dục...

“Đó là những tài liệu độc bản, không thể thay thế, lưu giữ bút tích của các vua triều Nguyễn phê duyệt các vấn đề của đất nước. Đặc biệt, trong số Châu bản triều Nguyễn còn lưu giữ được, có 19 tờ Châu bản thể hiện rõ việc thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa dưới triều Nguyễn,” giáo sư Phan Huy Lê khẳng định.

Cụ thể, nhà nghiên cứu lịch sử này cho hay, nội dung ghi trong Châu bản cho thấy rõ, chính quyền triều Nguyễn coi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là cương giới trên biển của quốc gia. Triều Nguyễn đã nâng mức quản lý đối với hai quần đảo này lên cấp cao nhất trong bộ máy quân chủ chuyên chế, mọi văn bản liên quan đến khu vực đó đều phải có sự phê duyệt cuối cùng của nhà vua.

Hằng năm, từ khoảng tháng Ba đến tháng Tám Âm lịch, triều đình phái các đoàn tàu thuyền đi khảo sát, thăm dò đường biển, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật… tại hai quần đảo này.

Châu bản triều Nguyễn: Sau vinh danh là "bài toán" về bảo tồn, số hóa ảnh 2Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu (Ảnh: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước)

“Không chỉ có vậy, các đoàn tàu thuyền này còn thực hiện việc cứu hộ các thuyền nước ngoài gặp nạn tại vùng biển này. Ví dụ, bản tấu của Thủy ngự cửa biển Đà Nẵng về tình hình cứu nạn thuyền buôn Pháp bị mắc nạn ở Hoàng Sa vào năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) đã thể hiện rất rõ việc này,” giáo sư Phan Huy Lê cho hay.

Ở một góc độ khác, giáo sư-tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia cho hay, với mỗi quốc gia, việc lưu trữ tư liệu là một trong những yếu tố để đánh giá trình độ văn minh. Việc Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu (thuộc chương trình “Ký ức thế giới” khu vực Châu Á-Thái Bình Dương) thể hiện sự đánh giá cao của quốc tế về trình độ văn minh của Việt Nam trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, Châu bản còn là nguồn sử liệu gốc để biên soạn các bộ chính sử dưới triều Nguyễn như “Đại Nam thực lục chính biên,” “Đại Nam nhất thống chí,” “Quốc triều chính biên toát yếu”…

“Châu bản triều Nguyễn cho thấy một diện mạo tương đối hoàn chỉnh về một giai đoạn lịch sử. Bởi vậy, đó là những văn bản mang giá trị kép, vừa là tư liệu lịch sử, vừa là những bằng chứng pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,” giáo sư-tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Cần tập trung giới thiệu nội dung

Theo ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (Cục Văn Thư và Lưu trữ Nhà nước-Bộ Nội vụ), hiện nay, Châu bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại trung tâm này, gồm 85.000 văn bản của 11 triều vua nhà Nguyễn.

“Đây là một khối tư liệu quý hiếm, mang tầm ảnh hưởng quốc tế. Tuy nhiên, việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị trong thời gian qua còn hạn chế, đặt ra nhiều thách thức,” ông Hà Văn Huề cho biết.

Cụ thể, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 cho hay, điều kiện tự nhiên (khí hậu nhiệt đới nóng ẩm) tác động tiêu cực đối với tình trạng vật lý của tài liệu: làm cho tài liệu bị mủn, giòn gãy, phai mực, bết dính… Cùng với đó, trải qua nhiều năm tháng chiến tranh, nhiều đơn vị Châu bản triều Nguyễn đã bị thất lạc, hư hỏng. 

Châu bản triều Nguyễn: Sau vinh danh là "bài toán" về bảo tồn, số hóa ảnh 3Việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn gặp nhiều khó khăn (Ảnh: An Ngọc/Vietnam+)

“5% tổng số đơn vị Châu bản triều Nguyễn còn lưu giữ được đang ở tình trạng bị hư hỏng nặng, chưa thể khắc phục: Nhiều chỗ bết dính, chưa thể mở ra để đọc, nghiên cứu, sao chụp…,” ông Hà Văn Huề cho biết.

Cũng theo ông Huề, trong thời gian qua, các đơn vị liên quan đã thực hiện một số cuộc trưng bày, triển lãm (đơn cử như chương trình trưng bày “Ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn,” triển lãm “Ngự phê trên châu bản triều Nguyễn” được tổ chức tại Hà Nội lần lượt vào năm 2011, 2012) và xuất bản một số ấn phẩm nhằm quảng bá giá trị của khối tư liệu…

“Tuy nhiên, các hoạt động này mới giới thiệu được những yếu tố thuộc về hình thức như ấn chương, bút phê trên châu bản chứ chưa giới thiệu được cụ thể về những nội dung của Châu bản. Vì thế, thời gian tới, các hoạt động cần tập trung tuyên truyền, giới thiệu những nội dung bên trong, cốt lõi của khối di sản này,” ông Hà Văn Huề đánh giá.

Đứng ở góc độ một nhà nghiên cứu, giáo sư-tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang phân tích: “Số hóa khối tài liệu này là việc rất phù hợp trong thời đại công nghệ số hiện nay. Điều đó giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận, tra cứu tài liệu, thông tin được thuận tiện hơn và đảm bảo các tài liệu gốc được bảo quản trong điều kiện tốt.”

Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu số hóa để tra cứu Châu bản mới biên tập được phần chữ Hán Nôm và tóm tắt sang tiếng Việt; chưa có phần tiếng Anh để những học giả nước ngoài tiếp cận được. “Bởi thế, trong thời gian tới, Việt Nam phải hoàn thiện, nâng cấp cơ sở dữ liệu để làm sao giới thiệu rộng rãi được đến các nhóm nghiên cứu, độc giả quốc tế,” nhà khoa học này đưa ra khuyến nghị.

“Với những giá trị to lớn, không thể thay thế, tôi tin tưởng rằng, trong tương lai, Châu bản triều Nguyễn sẽ được công nhận là Di sản tư liệu ở cấp độ thế giới chứ không chỉ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương như hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các đơn vị quản lý, chuyên môn cần có chiến lược cụ thể, dài hơi và bài bản trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của khối tư liệu này,” giáo sư Phan Huy Lê bày tỏ./.

Sáng 30/7, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn (thuộc chương trình “Ký ức thế giới” khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO).

Trước đó, Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu (thuộc “Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”) tại phiên họp thứ hai-Hội nghị toàn thể lần thứ sáu của Ủy ban “Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương 2014" (MOWCAP) diễn ra ngày 14/5 tại Quảng Châu (Trung Quốc).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục