Loại bỏ hay giữ lại những lễ hội liên quan đến tục hiến sinh, nghi thức “chém-chọi-đâm” động vật; làm sao để hạn chế tình trạng lộn xộn trong các lễ hội vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.
“Thuận theo tự nhiên”
Trở lại với quan điểm nhìn nhận về lễ hội cần xét đến nguồn gốc và ý nghĩa nội tại của nó, giáo sư Trần Lâm Biền (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) cho rằng: Việc tiếp tục duy trì hay loại bỏ những lễ hội, nghi thức này, hãy tôn trọng ý kiến của cộng đồng dân cư bản địa.
Cụ thể, nhà nghiên cứu này bày tỏ, các phong tục, nghi thức cũng không phải là những điều bất biến.
“Theo thời gian, nếu nhận thức, tư duy của người dân những địa phương này thay đổi (tức là họ cảm thấy không cần và không nên duy trì những nghi thức như vậy trong lễ hội nữa) thì họ sẽ tự chấm dứt. Bởi thực tế, cộng đồng dân cư đó - những người lưu giữ, thực hành lễ hội qua hàng trăm năm tồn tại mới là chủ nhân thực sự của lễ hội,” ông Biền phân tích.
[Tổ chức lễ hội cần dựa trên việc tôn trọng ý nguyện cộng đồng]
Bên cạnh đó, phó giáo sư Nguyễn Văn Huy (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia) cho rằng: thay vì việc chỉ nhìn một chiều rằng những nghi thức như đâm trâu, chém lợn là cách hành xử bạo lực, phản cảm và đề nghị loại bỏ chúng, hãy đặt vấn đề về khâu tổ chức lễ hội.
“Lễ hội ra đời nhằm đáp ứng nhu văn hóa tinh thần của người dân địa phương, là một trong những thành tố quan trọng của đời sống văn hóa cơ sở. Mỗi lễ hội đều mang ý nghĩa riêng gắn với truyền thống, đời sống tinh thần của địa phương đó. Bởi vậy, chúng ta không thể đặt vấn đề loại bỏ lễ hội,” ông Huy nhấn mạnh.
"Hạn chế nâng cấp, mở rộng lễ hội"
Nhà nghiên cứu này cho rằng, nên “trả” lễ hội về đúng quy mô ban đầu của nó, hạn chế tình trạng nâng cấp, mở rộng lễ hội. Theo phó giáo sư Nguyễn Văn Huy, đây cũng là cách để không làm ảnh hưởng đến bản sắc của lễ hội.
[Câu chuyện lễ hội: “Bao giờ cho hết những vòng… quẩn quanh?”]
Xuất phát từ thực tế đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, một trong những việc cấp thiết hiện nay là cung cấp đầy đủ những thông tin chính xác về nguồn gốc, ý nghĩa, các nghi thức thực hành lễ hội cụ thể để cộng đồng có nhận thức thổng thể về lĩnh vực này.
Không thể phó mặc cộng đồng
Đứng ở một góc độ khác, giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian) cho rằng: lễ hội là của người dân, được cộng đồng lưu giữ nên phải do người dân đứng ra tổ chức, vận hành.
“Tuy nhiên, không thể phó mặc tất cả cho cộng đồng. Các nhà quản lý, giới chuyên môn nên có những khuyến nghị, tuyên truyền cụ thể để cộng đồng hiểu và thực hành đúng. Cùng với đó, các địa phương cũng cần có những chế tài nghiêm khắc để đảm bảo an ninh trong những dịp lễ hội,” ông Thịnh nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Đình Tân - Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết cơ quan này đã giao các đơn vị chắc năng phối hợp với các địa phương rà soát lại toàn bộ lễ hội; tham vấn ý kiến các nhà khoa học về nguồn gốc, bản sắc và ý nghĩa của các lễ hội. Trên cơ sở đó, bộ sẽ đưa ra những tiêu chí, khuyến nghị cụ thể với việc thực hành những tục lệ này.
“Ví dụ như, để vừa đảm bảo giữ được nguyên gốc ý nghĩa văn hóa của lễ hội vừa không gây nên những dư luận trái chiều, ban tổ chức lễ hội nên hạn chế số lượng người xem trực tiếp nghi thức hiến sinh. Việc này có thể thực hiện ở khu vực riêng,” ông Tân nói.
Mới đây, ngày 11/3, thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, cơ quan này đã ban hành công văn số 737/BVHTTDL-VHCS gửi sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Theo đó, trước nhiều luồng ý kiến, dư luận xung quanh các lễ hội có những tập tục gây tranh cãi như “chém lợn,” “đâm trâu,” Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tham vấn ý kiến cộng đồng, tổ chức điều tra xã hội học, rà soát các lễ hội, đặc biệt là lễ hội còn duy trì các tập tục gây phản cảm đang được cơ quan truyền thông cũng như dư luận quan tâm./.