Chứng khoán châu Á lên điểm khi lo ngại về lĩnh vực ngân hàng dịu bớt

Chuyên gia cho rằng những lo ngại về lĩnh vực ngân hàng đang giảm đi, trong bối cảnh đó các nhà đầu tư có thể hướng sự chú ý trở lại vào các mục tiêu lạm phát trong dài hạn và việc Fed tăng lãi suất.
Chứng khoán châu Á lên điểm khi lo ngại về lĩnh vực ngân hàng dịu bớt ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Trong bối cảnh các nhà giao dịch phản ứng tích cực trước việc hàng tỷ USD được chi để hỗ trợ cho các ngân hàng gặp khó khăn nhằm xoa dịu lo ngại về sự lây lan trong lĩnh vực này, các thị trường chứng khoán châu Á đã nối gót chứng khoán Mỹ và châu Âu lên điểm trong ngày 17/3.

Chốt phiên giao dịch 17/3, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,2% lên 7.333,79 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,64% lên 19.518,59 điểm.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,73% lên 3.250,55 điểm, còn trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kopsi của Hàn Quốc tăng 0,75% lên 2.395,69 điểm.

Thị trường trên đà tăng sau một tuần giao dịch biến động, sau khi 11 ngân hàng lớn trên phố Wall như JP Morgan, Bank of America và Citigroup chi tới 30 tỷ USD để gửi vào ngân hàng First Republic.

Động thái của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cho thấy lòng tin của họ vào hệ thống tài chính. Động thái này diễn ra khi các nhà đầu tư lo ngại First Republic có thể chứng kiến hoạt động rút tiền ồ ạt sau vụ phá sản của hai ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank trong tuần trước.

Trước đó, ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ cho biết sẽ vay gần 54 tỷ USD mà Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ dành ra cho việc hỗ trợ ngân hàng này.

Các thị trường đã phản ứng tích cực trước các biện pháp trên.

Tại Phố Wall, các chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng hơn 1% và chỉ số Nasdaq Composite tăng hơn 2%; các thị trường London, Paris và Frankfurt cũng tăng điểm mạnh.

[Chứng khoán châu Á giảm điểm do quan ngại về ngân hàng Mỹ, Thụy Sĩ]

Những lo ngại về lĩnh vực ngân hàng đang giảm đi, sau khi các ngân hàng lớn hỗ trợ First Republic và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đưa đến cho Credit Suisse “một chiếc phao cứu sinh” - nhà phân tích Edward Moya của OANDA nhận định.

Các nhà đầu tư có thể hướng sự chú ý trở lại vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và các mục tiêu lạm phát dài hạn.

Trước khi SVB phá sản, đã có những nhận định Fed sẽ đẩy mạnh việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong tuần tới và tiếp tục cho đến khi lạm phát được kiểm soát.

Khi vụ phá sản của SVB được cho là do việc lãi suất tăng mạnh, gây lo ngại các ngân hàng khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự, Fed có thể dừng tăng lãi suất và thậm chí là hạ xuống.

Các số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm mạnh hơn dự kiến và lượng nhà được khởi công xây dựng cũng như số giấy phép xây dựng tăng mạnh cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn vững. Tình hình này gây sức ép lên Fed trong việc tiếp tục tăng lãi suất.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chốt phiên 17/3, chỉ số VN-Index giảm 0,22% xuống 1.045,14 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,14% lên 204,47 điểm.

Chứng khoán châu Á lên điểm khi lo ngại về lĩnh vực ngân hàng dịu bớt ảnh 2Biểu tượng Credit Suisse tại một chi nhánh ở Geneva (Thụy Sĩ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong phiên giao dịch hôm trước, ngày 16/3, chứng khoán châu Á đã giảm điểm với các thị trường nhìn chung chìm trong sắc đỏ, do những lo ngại về “gã khổng lồ” tài chính châu Âu Credit Suisse.

Các nhà đầu tư vốn đang trong trạng thái bất ổn kể từ vụ hai ngân hàng lớn của Mỹ phá sản cuối tuần qua, đã gây ra hoạt động bán tháo trên thị trường chứng khoán và làm tăng quan ngại về cuộc suy thoái toàn cầu.

Mặc dù các nhà bình luận nói rằng cuộc khủng hoảng này sẽ được ngăn chặn và hầu hết các ngân hàng lớn có ít sự tiếp xúc với các ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, song những tin tức xấu về Credit Suisse đã khiến các nhà giao dịch thêm rối ren.

Giá cổ phiếu của ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ đã giảm gần 25% sau khi Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia, cổ đông chính của Credit Suisse, cho biết ngân hàng này không thể nâng thêm tỷ lệ cổ phần trong Credit Suisse.

Điều đó diễn ra một ngày sau báo cáo thường niên của Credit Suisse chỉ ra những điểm yếu quan trọng trong kiểm soát nội bộ ngân hàng, vốn đã hứng chịu một loạt vụ bê bối trong những năm gần đây.

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ khẳng định rằng mức vốn và thanh khoản của Credit Suisse là đủ, nhưng nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng cung cấp thanh khoản cho Credit Suisse. Credit Suisse sau đó tuyên bố sẽ vay gần 54 tỷ USD để "hỗ trợ” ngân hàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục