Chuyện cách ly xã hội nhìn từ phường Thạch Lộc, quận 12 và quận Gò Vấp

Mặc dù cơ bản kiểm soát dịch COVID-19 tại phường Thạnh Lộc, quận 12 và quận Gò Vấp và chuyển "trạng thái" giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15 nhưng không vì thế mà các địa phương chủ quan.
Chuyện cách ly xã hội nhìn từ phường Thạch Lộc, quận 12 và quận Gò Vấp ảnh 1Lực lượng chức năng dỡ chốt trạm kiểm soát y tế trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Bắt đầu từ 0 giờ ngày 15/6, lực lượng chức năng đã dỡ bỏ toàn bộ các chốt chính kiểm soát người dân ra, vào phường Thạnh Lộc, quận 12 và quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, hai địa bàn nói trên đã cơ bản kiểm soát, không chế được tốc độ lây lan của dịch bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố, từ ngày 15/6, phường Thạnh Lộc, quận 12 và quận Gò Vấp thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là kết quả của nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền địa phương cũng như thể hiện sự đồng lòng, ủng hộ và quyết tâm chống dịch của người dân thành phố.

Kiểm soát chuỗi lây nhiễm

Theo đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp, kể từ 0 giờ ngày 15/6, 10 chốt kiểm soát chính được tháo dỡ, lực lượng chức năng rút về làm nhiệm vụ bên trong địa bàn quận và từng phường. Đối với 26 chốt phụ giáp ranh quận Gò Vấp do các quận giáp ranh phụ trách, việc tháo dỡ hay không sẽ do các quận này quyết định.

Theo ghi nhận của phóng viên vào sáng 15/6, sau khi dỡ bỏ các chốt trạm chính, việc đi lại của người dân diễn ra bình thường. Các tuyến đường chính của quận Gò Vấp như Quang Trung, Nguyễn Văn Quá, Phạm Văn Chiêu, Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh… bắt đầu đông xe trở lại.

Anh Nguyễn Chu Tuấn, ngụ tại đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, cho biết người dân vui mừng khi quận dỡ bỏ các chốt trạm kiểm soát y tế theo Chỉ thị 16 và chuyển qua thực hiện Chỉ thị 15 có tính chất nới lỏng hơn. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, người dân an tâm, tin tưởng vào công tác chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, quận Gò Vấp nói riêng.

Còn theo chị Nguyễn Minh Trang, ngụ tại quận 12, hằng ngày chị di chuyển qua quận Gò Vấp để đến quận Tân Bình làm việc, thường mất 5 phút khai báo y tế tại mỗi chốt trạm. Tuy nhiên, hôm nay việc di chuyển diễn ra thuận lợi hơn, trở lại theo nhịp độ ngày thường trước khi áp dụng Chỉ thị 16.

Còn nhớ vào thời điểm giữa tháng 5/2021, Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện liên tiếp hàng loạt chuỗi lây nhiễm COVID-19. Riêng quận Gò Vấp phức tạp, nhất là chuỗi lây nhiễm tại điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, kéo theo sự lây nhiễm trong cộng đồng ở một số địa bàn, trong đó có phường Thạnh Lộc, quận 12.

Để kiểm soát dịch bệnh, khoanh vùng, truy vết, sớm chấm dứt chuỗi lây nhiễm này, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại địa bàn phường Thạnh Lộc, quận 12 và toàn địa bàn quận Gò Vấp. Trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội tại quận Gò Vấp, đã phát sinh nhiều lúng túng trong xử lý của lực lượng chức năng. Một số người dân cũng thể hiện tâm lý chủ quan, chưa nghiêm túc chấp hành quy định kiểm soát y tế.

Đáng chú ý, việc ùn ứ giao thông cục bộ tại các chốt kiểm soát y tế vào giờ cao điểm gây bức xúc cho người dân cũng như tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh khi tập trung đông người, phương tiện.

Vào những thời điểm căng thẳng, lực lượng chức năng buộc phải “xả trạm," dỡ chốt trạm, sau đó thiết lập lại phù hợp hơn về vị trí, số lượng, áp dụng kiểm soát linh hoạt nhưng tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Việc kiểm soát y tế cũng khiến nhiều người dân, trong những ngày đầu bị ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt và làm việc. Nhiều người đã tìm cách né các chốt trạm chính, đi vào các đường hẻm để di chuyển đến quận Gò Vấp mà không phải khai báo y tế.

Chuyện cách ly xã hội nhìn từ phường Thạch Lộc, quận 12 và quận Gò Vấp ảnh 2Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát cầu Chợ Cầu hướng dẫn người dân khai báo y tế, cũng như hướng dẫn lưu thông theo quy định. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhìn lại những vấn đề phát sinh trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp cho hay do đây là lầu đầu tiên thực hiện giãn cách theo quy mô cấp quận nên ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 còn lúng túng vì quận Gò Vấp có nhiều cửa ngõ ra, vào trung tâm thành phố, ảnh hưởng không ít đến việc đi lại của người dân và hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp.

Công tác điều tra dịch tễ những ngày đầu còn gặp khó khăn và chậm do một số thành viên điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng khai báo không trung thực.

Quận Gò Vấp có mật độ dân số đông, dân nhập cư và công nhân lao động nhiều, một số khu dân cư có nhiều tuyến đường hẻm nhỏ trong khi dịch COVID-19 có tốc độ lây lan nhanh, gây khó khăn trong công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Trong khi đó, công tác triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, nhiều phường cùng lúc và trong thời ngắn nên việc chuẩn bị, phối hợp ngày đầu còn chưa chặt chẽ, khoa học. Một số người dân, cơ sở kinh doanh mặt hàng không thiết yếu vẫn còn chủ quan, cố tình vi phạm và chấp hành không nghiêm, còn đi ra đường khi không thật sự cần thiết.

Đánh giá những kết quả đã đạt được của Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng thực hiện Chỉ thị 16, quận Gò Vấp đã tổ chức khoanh vùng, truy vết, dập dịch quyết liệt, thậm chí có những phường trên địa bàn gần 100% dân số đã được tập trung lấy mẫu xét nghiệm. Vì thế, trong những ngày đầu giãn cách, số ca lây nhiễm trong cộng đồng còn cao nhưng về sau giảm dần, có ngày không phát hiện ra ca nào. Như vậy, bước đầu các ổ dịch trên địa bàn quận Gò Vấp cơ bản được khống chế, kiểm soát.

Phối hợp đồng bộ

Ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, riêng quận Gò Vấp lập 10 chốt chính, sau nâng lên 12 chốt ở cửa ngõ đồng thời lập thêm 233 điểm trực để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, công tác phòng, chống dịch tại các điểm phong tỏa của quận và tại một số đường hẻm kết nối với các quận lân cận. Vào những thời điểm nhất định, quận Gò Vấp đã thể hiện không ít sự lúng túng cũng như khó khăn riêng.

Để tháo gỡ khó khăn cho quận Gò Vấp, Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh liên tục họp bàn, chỉ đạo các sở, ngành, địa bàn giáp ranh tăng cường hỗ trợ. Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp đã chủ động phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai phần mềm khai báo y tế điện tử và tổ chức việc kiểm tra khai báo y tế của người dân ra, vào quận Gò Vấp tại các chốt kiểm soát.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân quận phối hợp cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông chi nhánh thành phố lắp đặt các điểm phát wifi miễn phí tại các chốt kiểm soát để hỗ trợ lực lượng kiểm tra và người dân dễ dàng kết nối intertnet để thực hiện việc khai báo y tế điện tử.

Tính đến 15 giờ ngày 12/6, đã có gần 700.000 lượt người khai báo y tế điện tử; trong đó lực lượng chức năng phát hiện 7.602 trường hợp mẫu khai báo y tế có nguy cơ về dịch tễ và đã hướng dẫn người dân liên hệ các cơ quan y tế để được xác minh, thực hiện các bước điều tra dịch tễ qua số tổng đài 18001119 và 018001119.

[Video] Những ổ dịch phức tạp mới bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp đã phối hợp với 4 quận giáp ranh (Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và quận 12) hỗ trợ, bố trí các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ giáp ranh với quận Gò Vấp để nắn dòng, chuyển hướng các phương tiện giao thông và người dân không đi vào địa bàn quận Gò Vấp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình hiện nay theo chỉ đạo của thành phố.

Đơn vị Phòng hóa Lữ đoàn 87, Quân khu 7 đã hỗ trợ quận Gò Vấp trong việc phun khử khuẩn Cloramin B tại các khu vực phong tỏa, phường có ca nhiễm, tuyến đường chính như Quang Trung, Lê Đức Thọ, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn, Công viên Gia Định, Nguyễn Văn Công, Thống Nhất, Phạm Ngũ Lão…

Theo ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp, các chủ trương, chính sách không chỉ được người dân mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quận rất hưởng ứng, chấp hành tốt việc giãn cách, nhờ vậy giảm thiểu số lượng người ra đường không cần thiết, phương tiện giao thông ra, vào quận, qua đó góp phần tốt cho công tác phòng, chống dịch, hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng.

“Bên cạnh đó, việc thực hiện Chỉ thị 16 cũng đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn quận. Người dân Gò Vấp, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, những nhà hảo tâm, các địa phương khác đã cùng chính quyền chung tay, góp sức ủng hộ, chăm lo cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, những gia đình khó khăn, công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh," ông Đỗ Anh Khang chia sẻ.

Không chủ quan, lơ là

Mặc dù cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 tại phường Thạnh Lộc, quận 12 và quận Gò Vấp, đặc biệt khống chế chuỗi lây nhiễm từ Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng và chuyển “trạng thái” giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ nhưng không vì thế mà chính quyền địa phương có tâm lý chủ quan, lơ là.

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh ngày 14/6, trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình, nhận thấy mầm bệnh vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng, việc gỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội phát tán và lây lan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong quyết định tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ thêm 2 tuần, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 chuyển từ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sang thực hiện theo Chỉ thị 15.

Đồng thời, tùy theo diễn biến của dịch bệnh và mức độ kiểm soát trên từng địa bàn, sau một tuần lễ tới đây, một số khu vực trên địa bàn thành phố có thể chuyển sang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, đến nay chuỗi lây nhiễm từ Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp) cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, mầm bệnh có thể đã xâm nhập vào Thành phố từ sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Vì thế, những ca nhiễm có thể đã len lỏi trong cộng đồng, chỉ được phát hiện thông qua hoạt động khám sàng lọc.

Ngoài ra, có thể còn có những ca bệnh chưa có triệu chứng trong cộng đồng, ít lây lan, chưa được phát hiện hết, cùng tồn tại song song với các ca bệnh thuộc chuỗi Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được kiểm soát.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường tuyên truyền để phát huy tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sỹ”; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành chỉ đạo của Thành phố về công tác phòng, chống dịch.

Đồng thời, các địa phương tăng cường hệ thống kiểm tra phòng, chống dịch tại các trụ sở, cơ quan, thực hiện giãn cách và đảm bảo thực hiện 5K trong suốt quá trình làm việc, chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp công sở bị cách ly, dừng triệt để các cuộc họp trực tiếp không cần thiết.

Các địa phương củng cố lại công tác điều tra, truy vết, cách ly và xét nghiệm để đáp ứng kịp thời yêu cầu chống dịch; khẩn trương điều tra danh sách người tiếp xúc gần (F1, F2) để lấy mẫu xét nghiệm; sắp xếp, điều phối, tiếp nhận, thực hiện xét nghiệm theo nhóm ưu tiên để phù hợp với công suất, đảm bảo có kết quả xét nghiệm của F1 trong vòng 8-12 giờ và F2 trong vòng 24 giờ.

Chuyện cách ly xã hội nhìn từ phường Thạch Lộc, quận 12 và quận Gò Vấp ảnh 3Một tuyến đường ở TP.HCM vắng bóng người. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Y tế tăng cường thực hiện các quy định phòng, chống dịch trong các cơ sở khám, chữa bệnh; siết chặt công tác phân luồng tại bệnh viện, phòng khám; sàng lọc người bệnh đến khám và điều trị, nhất là kiểm tra yếu tố dịch tễ của người đến bệnh viện. Nhân viên y tế chấp hành nghiêm thông điệp 5K, hạn chế tiếp xúc với người khác sau giờ làm việc, thực hiện tầm soát định kỳ đối với nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân.

Đối với quận Gò Vấp, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu phải tiếp tục giám sát, vận động người dân tự giác khai báo y tế sớm nhất, khi bản thân hoặc người dân có triệu chứng đặc trưng của COVID-19 hoặc có triệu chứng dịch tễ, không để bệnh đã rõ, nặng mới khai báo và đi khám.

Đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng trong thời gian tới, quận Gò Vấp cần tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng chặt chẽ, triệt để hơn nữa đối với địa điểm đã phong tỏa trước đây để xử lý dứt điểm, gỡ phong tỏa, tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống trở lại.

Ngoài ra, quận Gò Vấp cần truyền thông kịp thời để người dân khai báo y tế, giám sát chặt chẽ các trường hợp đến khám sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn quận để lấy thông tin cụ thể, sẵn sàng dập dịch triệt để.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến 17 giờ ngày 13/6, Thành phố Hồ Chí Minh có tổng cộng 335 điểm phong tỏa, trong đó riêng quận Gò Vấp có 31 điểm thuộc 12/16 phường. Như vậy mặc dù dịch COVID-19 tại quận gò Vấp đã được kiểm soát, chấm dứt chuỗi lây nhiễm tại ổ dịch Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng nhưng nhiều khu vực vẫn còn nguy cơ cao, cần tiếp tục giám sát, khoanh vùng, truy vết và xử lý dứt điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục