Cơ hội ngắn hạn cho Malaysia từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung

Malaysia hiện đã bắt đầu đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài gia tăng - hệ quả của sự chuyển hướng đầu tư và thương mại do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng nhận định sự tái định hướng lâu dài trong chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể là cơ hội vàng để Malaysia thu hút nguồn vốn đầu tư mới và đảo ngược tình trạng phi công nghiệp hóa quá sớm của nước này.

Trong bài phát biểu tại Đại học California Berkeley, Mỹ, Bộ trưởng Lim cho rằng hiện nay một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, đã bắt đầu đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài gia tăng như là hệ quả của sự chuyển hướng đầu tư và thương mại do tác động của cuộc chiến thương mại này.

Theo dữ liệu của Bộ trưởng Lim, trong 6 tháng đầu năm 2019, Malaysia đã phê duyệt 49,5 tỷ ringgit (12 tỷ USD) vốn đầu tư nước ngoài, cao gấp hai lần so cùng kỳ năm ngoái.

Các khoản đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Đáng chú ý, hai quốc gia trong vòng chiến tranh thương mại lại là những nhà đầu tư lớn nhất tại Malaysia trong giai đoạn này, trong đó Mỹ đầu tư 11,7 tỷ ringgit (2,8 tỷ USD) và Trung Quốc đầu tư 4,8 tỷ ringgit (1,15 tỷ USD).

Người đứng đầu Bộ Tài chính Malaysia cho rằng nước này đã may mắn và thể hiện khả năng phục hồi trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp.

Trong quý 2/2019, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia tăng 4,9% so với mức 4,5% của quý liền kề trước đó, đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành một trong số ít các nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn trong thời kỳ này.

Tuy nhiên, người nắm "tay hòm chìa khóa" của Chính phủ Malaysia cũng khẳng định mặc dù nước này có những lợi ích ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ không ai là người chiến thắng trong chiến tranh thương mại, cả người trong cuộc và các bên liên quan đều là người thua cuộc.

Nếu căng thẳng thương mại kéo dài và xấu đi, thị trường toàn cầu sẽ thu hẹp lại. Khi đó, sự chuyển hướng đầu tư và thương mại ở mọi mức độ, quy mô cũng không đủ để chống lại thiệt hại tiềm ẩn về nhu cầu toàn cầu.

[Malaysia khó đạt mục tiêu thâm hụt ngân sách trong năm 2020]

Với chủ đề tập trung vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ trưởng Lim cho biết chính phủ đã xây dựng chính sách công nghiệp nhằm tập trung vào các nỗ lực tái công nghiệp hóa Malaysia, với yêu cầu cần phải có sự can thiệp của nhà nước để ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược và sắp xếp các tạo động lực thúc đẩy thực hiện các mục tiêu mục tiêu kinh tế và xã hội cụ thể.

Bộ trưởng Lim cũng chia sẻ thêm, để quá trình tái công nghiệp hóa thành công, Malaysia đã triển khai chính sách cách mạng công nghiệp lần thứ 4 từ năm 2018, trong đó xác định 5 lĩnh vực ưu tiên triển khai gồm điện và điện tử, máy móc và thiết bị, hóa chất, thiết bị y tế và hàng không vũ trụ.

Để thực hiện mục tiêu này, Malaysia đang nâng cấp nền tảng kỹ thuật số khi đầu tư 21,6 tỷ ringgit (5,2 tỷ USD) vào Kế hoạch Kết nối quốc gia (NFCP) từ năm 2019-2023 để mở rộng vùng phủ sóng và tăng tốc độ Internet băng thông rộng trên phạm vi toàn quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục