Mô hình sử dụng bèo hoa dâu trong sản xuất lúa vừa giúp tiết kiệm phân bón, vừa tạo ra sản phẩm sạch và giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Mặc dù tiềm năng rất lớn nhưng bèo hoa dâu lại chưa thực sự đi vào sản xuất lúa bền vững và cần có cơ chế để nhân rộng mô hình này.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Bèo hoa dâu: Tiềm năng và thách thức trong sản xuất nông nghiệp bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 8/8 tại hà Nội.
Tiềm năng từ bèo hoa dâu
Theo các nhà nghiên cứu khoa học, tiềm năng nông học của bèo hoa dâu rất cao, đặc biệt khi được áp dụng như một loại phân bón sinh học để tăng năng suất lúa, cải thiện môi trường nước tại vùng trồng lúa nước.
Ngoài ra, bèo hoa dâu còn có thể được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi, phân bón sinh học, chất làm sạch nước, thuốc diệt cỏ sinh học, diệt côn trùng, khử trùng, chống ký sinh trùng, chống nấm, chống vi khuẩn. Những đặc tính này làm nổi bật tiềm năng của bèo hoa dâu như một tài nguyên linh hoạt với các ứng dụng từ nông nghiệp đến dược phẩm và quản lý môi trường.
Chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình trồng lúa nước có thả bèo hoa dâu, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Vân Hội Xanh (Vĩnh Phúc) đánh giá việc sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón hữu cơ mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình này đã giảm 90% phân bón vô cơ và 100% thuốc trừ cỏ, trừ ốc. Việc sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón sinh học tạo được nguồn lúa gạo phát thải thấp với số lượng lớn, tạo cơ hội cạnh tranh lớn với việc xuất khẩu gạo.
Chuyển đổi xanh để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững
Việt Nam đặt mục tiêu sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường vào năm 2025.
Theo ông Hoàng, chi phí đầu tư bèo hoa dâu thấp, tốc độ nhân đôi số tiền đầu tư rất nhanh (trong 2-3 ngày) do khả năng nhân sinh khối của bèo hoa dâu. Bèo hoa dâu sẽ mang lại cơ hội bình đẳng giữa các vùng miền, thành phần dân tộc do bất kỳ ai cũng có thể nhân nuôi và ứng dụng giúp giảm nghèo và làm giàu bền vững. Đặc biệt, khi đưa bèo hoa dâu vào canh tác lúa sẽ tạo được dòng sản phẩm phát thải thấp với số lượng lớn, mở ra cơ hội giao dịch tín chỉ carbon từ những vùng sản xuất.
Tiến sỹ Phạm Gia Minh, Trung tâm Bèo hoa dâu Việt Nam-Azovi cho biết một số quốc gia đạt trình độ khoa học cao và quy mô ứng dụng bèo hoa dâu rộng lớn trong trồng trọt, chăn nuôi, giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất dược phẩm như Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan...
“Do bèo hoa dâu có năng lực hấp thụ mạnh CO2 (gấp 8 lần cây xanh) và giảm phát thải CH4 từ ruộng lúa (20-40%) nên ứng dụng bèo hoa dâu cũng có thể là một hướng hợp tác với các quỹ tài trợ chống biến đổi khí hậu, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ...,” Tiến sỹ Phạm Gia Minh cho hay.
Cần xem bèo hoa dâu là một loại phân bón
Thạc sỹ Phạm Thị Thu, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Trong các mô hình canh tác lúa bền vững tại Bắc Kạn đã tuyên truyền, hướng dẫn nuôi thả bèo, hoa dâu trong ruộng lúa cho hơn 2.000 nông dân tham gia. Tuy nhiên, do chưa có định mức xây dựng mô hình về bèo hoa dâu nên hiện nay chủ yếu chỉ lồng ghép vào các lớp tập huấn mô hình nên diện tích ứng dụng còn ít, nhỏ lẻ, cần có nghiên cứu chi tiết để đánh giá được hiệu quả kinh tế để nhân rộng các mô hình.”
Bà Phạm Thị Thu cho rằng thay vì hỗ trợ cho từng cá nhân thì nên hỗ trợ cộng đồng để nhận rộng mô hình nuôi, thả bèo hoa dâu và đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng định mức cho mô hình bèo hoa dâu hoặc có văn bản để chỉ đạo, khuyến khích thực hiện các mô hình bèo hoa dâu.
Với mong muốn lan tỏa tiếp cận nông nghiệp với các giải pháp canh tác mới, ông Nguyễn Khắc Hoàng đề xuất bổ sung bèo, hoa dâu như là một loại phân bón hữu cơ cho trồng trọt để các địa phương lồng ghép vào trong các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Từ căn cứ pháp lý đó, các địa phương căn cứ vào nhu cầu để đặt hàng sản xuất theo đơn hàng. Đây là phương án nhanh nhất để có thể đưa bèo hoa dâu vào trong sản xuất với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất.
Tiến sỹ Phạm Gia Minh cũng đồng tình và cho rằng cần sớm có chính sách phân loại bèo hoa dâu thuộc nhóm phân bón hay cây trồng và phải có cơ quan được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao làm đầu mối với những chức năng, nhiệm vụ cụ thể để thực thi chủ trương phát triển.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng hiện nay thế giới đang đi theo xu hướng nền nông nghiệp thuận thiên, nông nghiệp hữu cơ và Việt Nam sẽ không đánh đổi môi trường tự nhiên, sức khỏe cộng đồng lấy sản lượng. Việc sử dụng bèo hoa dâu sẽ giúp giảm phát thải phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí trong tương lai.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh bản thân bèo hoa dâu không lớn nhưng giá trị mà nó mang lại cho nhân loại lại không hề nhỏ. Câu chuyện về bèo hoa dâu sẽ khởi tạo một tư duy mới để phát huy tối đa giá trị của những tài nguyên đang hiện hữu, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm, thuận thiên, giảm phát thải, phát triển bền vững. Để làm được điều này, phải cộng hưởng được sức mạnh từ nhiều phía gồm: Nhà nước, nhà khoa học, xã hội, nông dân…/.