COP27 sẽ giải quyết các mối quan tâm của châu Phi về khí hậu

Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry, Chủ tịch COP27 cho biết hội nghị COP27 sẽ giải quyết mối quan tâm của châu Phi về khí hậu, bao gồm quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.
COP27 sẽ giải quyết các mối quan tâm của châu Phi về khí hậu ảnh 1Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry (giữa-bên trái). (Nguồn: dailynewsegypt.com)

Ngày 21/9, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry nêu rõ Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), dự kiến diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập vào tháng 11 tới, sẽ giải quyết các mối quan tâm của châu Phi về khí hậu, bao gồm việc thực hiện các cam kết về khí hậu.

Ngoại trưởng Shoukry, người được chỉ định là Chủ tịch COP27, đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp của Ủy ban các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ châu Phi về biến đổi khí hậu (CAHOSCC), bên lề khóa họp lần thứ 77 Đại Hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ).

Ông nhấn mạnh COP27 cũng sẽ giải quyết các mối quan tâm khác của châu Phi về khí hậu, bao gồm cả quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, cũng như việc cung cấp nguồn tài chính khí hậu thỏa đáng cho các nước đang phát triển.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ai Cập nói thêm Hội nghị COP27, sự kiện toàn cầu về khí hậu lần đầu tiên được tổ chức tại châu Phi, sẽ theo đuổi một cách tiếp cận toàn diện để đảm bảo sự tham gia hiệu quả của tất cả các bên liên quan trong hành động khí hậu quốc tế, trong đó có khu vực tư nhân và xã hội.

[Chủ tịch COP27 kêu gọi tăng cường phối hợp ứng phó biến đổi khí hậu]

Ông cũng lưu ý châu Phi đang kỳ vọng vào CAHOSCC để tăng cường hành động của châu Phi liên quan đến biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại một sự kiện khác cùng ngày do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức bên lề khóa họp 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Shoukry cho hay Ai Cập đang tìm cách đạt được các kết quả cân bằng trên tất cả các ưu tiên hành động khí hậu quốc tế, đặc biệt là vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như vấn đề cung cấp tài chính khí hậu.

Ông cho rằng khu vực kinh tế tư nhân ở các quốc gia đang phát triển có trách nhiệm đặc biệt trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế thân thiện với môi trường bằng cách đầu tư vào nền kinh tế xanh và cung cấp các giải pháp công nghệ.

Ngoại trưởng Ai Cập cho biết thêm nước này hy vọng COP27 sẽ góp phần thực hiện các cam kết liên quan đến khí hậu và những diễn biến toàn cầu gần đây sẽ không ảnh hưởng đến các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ai Cập cũng tin tưởng rằng sự hợp tác giữa tất cả các bên liên quan, trong đó có khu vực tư nhân, là cần thiết để đạt được các mục tiêu hành động vì khí hậu.

Trong một diễn biến khác, phát biểu nhân Tuần lễ Khí hậu New York 2022, diễn ra tại New York (Mỹ) từ ngày 19-25/9, Đại diện cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Ai Cập, ông Mahmoud Mohieldin cho biết các nước phát triển vẫn chưa thực hiện cam kết mà họ đưa ra tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc ở Copenhagen (Đan Mạch) nhằm tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho hành động khí hậu tại các quốc gia đang phát triển, mặc dù số tiền này, ngay cả khi được cấp đầy đủ, chỉ chiếm không quá 3% nguồn tài chính cần thiết cho hành động khí hậu.

Tại Hội nghị COP15, diễn ra ở Copenhagen cách đây 13 năm, các nền kinh tế tiên tiến đã cam kết 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nền kinh tế đang phát triển đáp ứng các mục tiêu về hành động khí hậu.

Cam kết đã được Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 xác nhận và có hiệu lực một năm sau đó, với mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục