COVID-19 ảnh hưởng tới duy trì hòa bình tại các nước có xung đột

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức đối thoại không chính thức về tác động của đại dịch COVID-19 đối với các hoạt động xây dựng và duy trì hòa bình tại các nước chịu ảnh hưởng xung đột.
Hiện trường vụ đánh bom xe ở thành phố Azaz, Syria ngày 19/7. (Ảnh: AA/TTXVN)
Hiện trường vụ đánh bom xe ở thành phố Azaz, Syria ngày 19/7. (Ảnh: AA/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 22/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức đối thoại không chính thức với đại diện Ủy ban Xây dựng hòa bình của Liên hợp quốc (PBC) về tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với các hoạt động xây dựng và duy trì hòa bình tại các nước chịu ảnh hưởng xung đột.

Buổi đối thoại do Đức, Indonesia, Niger và Anh đồng tổ chức. Canada, nước chủ tịch PBC và hai nước phó chủ tịch PBC là Colombia và Nhật Bản cùng Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc Oscar Fernandez-Taranco đã tham dự và trao đổi tại phiên đối thoại.

Các đại diện của Ủy ban Xây dựng hoà bình của Liên hợp quốc (PBC) cho biết đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm khó khăn tại các nước bị ảnh thưởng của xung đột như khủng hoảng nhân đạo và tình trạng khan hiếm thực phẩm gia tăng, nhiều nền kinh tế trên bờ sụp đổ, các cuộc bầu cử bị trì hoãn và tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng hơn.

[Việt Nam ủng hộ giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột Israel-Palestine]

Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc Oscar khẳng định tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoà bình và an ninh là rất rõ rệt. Điều này khiến cho công việc của Liên hợp quốc, trong đó có trung gian và xây dựng hoà bình, trở nên khó khăn hơn nhưng cũng cần thiết hơn.

Ông Fernandez-Taranco cũng cho biết tình trạng bạo lực căng thẳng hơn, bất bình đẳng xã hội gia tăng, bạo lực và bất công liên quan vấn đề giới cũng trầm trọng hơn.

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an hoan nghênh các hoạt động mà PBC đã triển khai trong thời gian qua nhằm ứng phó với đại dịch. Các ý kiến khá thống nhất trong việc cần phải có cách tiếp cận tổng thể, toàn diện; chú trọng sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan của Liên hợp quốc; ưu tiên tới các nhóm yếu thế trong xã hội; nâng cao vai trò của các cộng đồng địa phương.

Theo các nước, PBC cũng cần điều chỉnh các ưu tiên một cách linh hoạt để thích ứng với các vấn đề phát sinh từ đại dịch và sự cần thiết của nguồn lực tài chính.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ về tác động của đại dịch, tầm quan trọng việc giải quyết vấn đề một cách tổng thể, cách tiếp cận quốc gia và sự điều phối để tránh chồng chéo trong thực hiện các chương trình, hành động của Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục