COVID-19: Cần 90 tỷ USD để bảo vệ 700 triệu người dễ bị tổn thương

Các chuyên gia đều nhất trí đánh giá rằng dịch COVID-19 vẫn chưa đạt “đỉnh" ở các nước nghèo nhất thế giới, nhưng có thể diễn biến như mức hiện nay trong 3-6 tháng tới.
COVID-19: Cần 90 tỷ USD để bảo vệ 700 triệu người dễ bị tổn thương ảnh 1Những đứa trẻ, con của lao động nhập cư nghèo tại thành phố Chennai, Ấn Độ, ngày 1/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock ngày 28/4 cho biết với 90 tỷ USD, 700 triệu người dễ bị tổn thương nhất thế giới có thể được hỗ trợ thu nhập và cung cấp thực phẩm cũng như các biện pháp chăm sóc y tế trước dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Con số trên chỉ bằng 1% giá trị gói kích thích 8.000 tỷ USD mà 20 quốc gia giàu nhất thế giới đưa ra để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu.

Ông Mark Lowcock cho biết phần lớn các chuyên gia đều đồng ý rằng dịch COVID-19 vẫn chưa đạt “đỉnh" ở các nước nghèo nhất thế giới, nhưng có thể diễn biến đến mức này trong 3-6 tháng tới.

[COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ gây ra nạn đói cho người nghèo]

Ông cho biết khoảng 700 triệu người, tức 10% dân số thế giới, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất và tập trung ở khoảng 30-40 nước.

Thu nhập của người dân ở các nước này sẽ giảm mạnh giữa lúc dịch bệnh lây lan nhanh và chính phủ các nước áp đặt nhiều biện pháp hạn chế và phong tỏa.

Theo ông Lowcock, để bảo vệ những người này trước sự sụt giảm thu nhập nói trên có thể cần khoảng 60 tỷ USD, và với khoảng 30 tỷ USD nữa, những người có nguy cơ chết đói có thể được cung cấp thực phẩm và các biện pháp chăm sóc y tế trước dịch COVID-19.

Ông Lowcock cho biết 2/3 số tiền 90 tỷ USD này có thể đến từ các thể chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và 1/3 còn lại có thể có được từ sự gia tăng một lần khoản hỗ trợ phát triển của chính phủ các nước.

Ông Lowcock cho rằng các biện pháp hạn chế mà chính phủ các nước ban hành để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh có thể ảnh hưởng các nước nghèo nhiều hơn so với các nước giàu, vì những nước này có số người lao động và người nghèo không thể sống dựa vào các nguồn lực của bản thân mình nhiều hơn.

Nhưng theo ông, tác động lớn nhất sẽ đến từ những hậu quả kinh tế mà dịch COVID-19 gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục