Credit Suisse hạ dự báo tăng trưởng nền kinh tế châu Âu

Việc các nước phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga đẩy giá dầu thô và kim loại, trong đó có nhôm và nickel, tăng vọt, có nguy cơ làm chệch hướng phục hồi mới manh nha từ đại dịch.
Credit Suisse hạ dự báo tăng trưởng nền kinh tế châu Âu ảnh 1Người dân mua hàng hóa trong siêu thị tại Milan, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà kinh tế thuộc Tập đoàn dịch vụ tài chính Credit Suisse ngày 9/3 đã hạ dự báo tăng trưởng của châu Âu.

Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu lục này chỉ đạt khoảng 1% trong năm 2022 trong bối cảnh giá hàng hóa  “phi mã” và đứt gãy chuỗi cung ứng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine.

Credit Suisse cũng dự báo GDP của Nga có thể thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó là từ 2-2,5%. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ được dự đoán ổn định hơn, với tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức khoảng 3%.

[Giới phân tích hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Âu]

Nhà phân tích kinh tế Andrew Garthwaite cho rằng thời điểm này không giống với khi xảy ra khủng hoảng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đại dịch COVID-19 bùng phát hay khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Việc các nước phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã đẩy giá dầu thô và kim loại, trong đó có nhôm và nickel, tăng vọt, có nguy cơ làm chệch hướng sự phục hồi mới manh nha từ đại dịch COVID-19.

Trước đó, ngày 8/3, các nhà phân tích của Citigroup cũng cho rằng việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu “giảm tốc” khi giá dầu và hàng hóa tăng cao.

Tuy nhiên, tác động này sẽ giảm đi phần nào nhờ việc Trung Quốc thúc đẩy ổn định kinh tế và thị trường lao động Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ.

Cùng ngày 9/3, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cảnh báo tình trạng tăng giá năng lượng do những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ gây ra những tác động ngang cú sốc dầu mỏ năm 1973.

Phát biểu tại một hội nghị ở Paris, Bộ trưởng Kinh tế Pháp nhận định cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có sức nặng và ảnh hưởng ngang với cú sốc dầu mỏ năm 1973.

Ông nhắc lại tình trạng tăng giá dầu mỏ năm 1973 dẫn tới cú sốc lạm phát, buộc các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất, làm mất đà tăng trưởng kinh tế.

Người đứng đầu Bộ Kinh tế Pháp cảnh báo cú sốc lạm phát đình trệ này chính là điều thế giới cần tránh trong năm 2022.

Cú sốc dầu mỏ năm 1973 xảy ra do ảnh hưởng của cuộc xung đột Arập-Israel. Khi đó, 6 nước Arab thuộc Tổ chức các Nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã cấm xuất khẩu dầu mỏ sang các nước hỗ trợ Israel, đặc biệt là Mỹ.

Lệnh cấm này khiến giá dầu tăng gấp 4 lần, đẩy các nền kinh tế phương Tây vào suy thoái và lạm phát cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục