Cứ 4 người lớn thì ít nhất 1-2 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết ở Việt Nam, trung bình cứ 4 người lớn thì có ít nhất 1-2 người mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Cứ 4 người lớn thì ít nhất 1-2 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch ảnh 1Khám bệnh tại Bệnh viện Tim Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Tại Lễ khai giảng khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo đề án bệnh viện vệ tinh đợt 1 năm 2018 cho 130 học viên là các y bác sỹ của 16 bệnh viện vệ tinh thuộc các tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên của Bệnh viện Tim Hà Nội, ngày 1/3, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện cho biết ở Việt Nam, trung bình cứ 4 người lớn thì có ít nhất 1-2 người mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tỷ lệ tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch ngày một tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, sự gia tăng tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, lối sống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường đang là các yếu tố nguy cơ hàng đầu của nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh tim mạch.

“Chính vì vậy, Bệnh viện Tim Hà Nội đã và đang thực hiện chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực tim mạch cho nhiều bệnh viện vệ tinh trên cả nước. Mục tiêu của các chương trình đào tạo là giúp cho các bác sỹ có thêm kiến thức chuyên môn về tim mạch, nâng cao chất lượng khám bệnh, điều trị bệnh nhân ngay tại địa phương, hạn chế chuyển lên bệnh viện tuyến Trung ươngg," phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Tuấn cho biết.

Trong năm 2017, Bệnh viện Tim Hà Nội được phê duyệt bổ sung 58 kỹ thuật nâng tổng số kỹ thuật được thực hiện là 2.443 kỹ thuật, trong đó có những kỹ thuật chuyên sâu như: chụp và nút mạch điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt; tim phổi nhân tạo ECMO; bắc cầu mạch máu chạy thận nhân tạo...

Cũng trong năm 2017, từ việc khảo sát thực trạng chuyên ngành tim mạch tại Hà Nội, Bệnh viện đã tổ chức 11 lớp đào tạo cho trên 300 học viên về đọc điện tim, xử trí các rối loạn nhịp tim, siêu âm tim, điện tim gắng sức, điều trị tiêu sợi huyết trong đột quỵ...

Bệnh viện cũng cử các bác sỹ công tác luân phiên hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới và đã trực tiếp khám chữa bệnh, điều trị cho trên 1.800 bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến dưới.

[Hà Nội đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật y tế mới tiên tiến, hiện đại]

Ngoài hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao 67 lượt gói kỹ thuật cho các bệnh viện trong đề án bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, bệnh viện còn hỗ trợ cho 29 bệnh viện theo thỏa thuận hợp tác chuyên môn, nâng số đơn vị có hợp tác và hỗ trợ chuyên môn lên hơn 100 bệnh viện.

Bên cạnh đó, bệnh viện còn hỗ trợ quản lý tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch cho y tế cơ sở thuộc Hà Nội và một số địa phương khác như Khánh Hòa, Phú Thọ, Quảng Nam, Nghệ An, Hải Dương…; hỗ trợ đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho một số bệnh viện thuộc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Trong năm 2018, bệnh viện sẽ thực hiện chuyển giao 28 gói kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, đồng thời đẩy mạnh hoạt động kết nối Telemedicine (hội chẩn trực tuyến) với các bệnh viện vệ tinh trong việc đào tạo, khám, chữa bệnh từ xa.

Bệnh viện Tim Hà Nội hiện là bệnh viện duy nhất trực thuộc Sở Y tế Hà Nội được Bộ Y tế giao là bệnh viện hạt nhân chuyên ngành tim mạch cho 16 bệnh viện vệ tinh trên cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục