'Cú hích' trong tiến trình chuyển đổi số ở thành phố Hải Phòng

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Nhật Quang, trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số là yếu tố cốt lõi và Hải Phòng cần đưa vào quy hoạch để tránh việc bổ sung, sửa chữa sau này.
'Cú hích' trong tiến trình chuyển đổi số ở thành phố Hải Phòng ảnh 1Một góc thành phố Hải Phòng. (Nguồn: TTXVN)

Thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã có những chính sách, hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số. Đây là “cú hích” đầu tiên trong tiến trình chuyển đổi số của thành phố.

Nhận thức rõ chuyển đổi số là gì

Tại hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp bắt đầu từ đâu” do Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng tổ chức mới đây, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Trung, Đại học RMIT cho rằng hiện nay vẫn có sự nhầm lẫn nhất định giữa khái niệm số hóa và chuyển đổi số.

Số hóa hiểu đơn giản nhất là chuyển các tài liệu thành định dạng khác để chia sẻ trên môi trường mạng. Sau số hóa là tự động hóa và cao nhất là chuyển đổi số. Số hóa là mức thấp trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số là quá trình không có điểm dừng và là quá trình gian nan để giải bài toán về năng suất, cạnh tranh, hiệu quả và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Trung, những doanh nghiệp phát triển vượt trội trong 10 năm qua chính là những doanh nghiệp chuyển đổi số. Nếu như lấy mốc trước năm 2010, top những doanh nghiệp phát triển hàng đầu thế giới nằm trong lĩnh vực khoáng sản, bán lẻ theo hình thức truyền thống thì từ năm 2010 đến năm 2020, các doanh nghiệp hàng đầu đều là những doanh nghiệp sử dụng dữ liệu số và mức tăng trưởng của các doanh nghiệp này theo cấp số nhân, tiêu biểu như Apple tăng hơn 10 lần trong vòng 10 năm.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Trung nêu dịch COVID-19 có những tác động bất lợi song đó cũng là thời điểm tốt để doanh nghiệp thích ứng với tiến trình chuyển đổi số. Doanh nghiệp dù ở quy mô nào cũng cần chuyển đổi số ngay lúc này, ngay tại thời điểm khó khăn nhất, bởi nếu không chuyển đổi ngay bây giờ, doanh nghiệp sẽ không có khả năng thích ứng trong thời gian tiếp theo.

Cùng nhận định về xu hướng tất yếu của chuyển đổi số, trong hội thảo về “Giải pháp xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, bền vững," do Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng tổ chức, tiến sỹ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ VINASA cho biết  thành tựu đặc trưng nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là các công nghệ số, đặc biệt là trí thông minh nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT).

[Phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số]

Chuyển đổi số toàn bộ nền kinh tế, xã hội và quản trị quốc gia là xu hướng rõ nhất hiện nay ở tất cả các quốc gia. Công nghệ số mang lại cơ hội to lớn để mỗi tổ chức có thể tự thay đổi nhằm trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn, gia tăng cơ hội.

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Nhật Quang, trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số là yếu tố cốt lõi và Hải Phòng cần đưa vào quy hoạch để tránh việc bổ sung, sửa chữa sau này.

Tiến trình chuyển đổi số của Hải Phòng

Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết về “Chủ trương đầu tư dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025."

Mục tiêu chung của dự án là hình thành hạ tầng kỹ thuật, nền tảng công nghệ, dịch vụ dùng chung phục vụ xây dựng và phát triển chính quyền số; đảm bảo kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, phân tích dữ liệu tổng hợp, phục vụ điều hành, quản lý tổng thể của chính quyền, cung cấp dịch vụ chung phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Dự án còn hướng tới mục tiêu thay đổi đột phá xếp hạng chính quyền số thành phố Hải Phòng, đưa Hải Phòng thành nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số.

Theo ông Vũ Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng, ngày 26/10/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát mà nghị quyết đề ra là đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố dựa trên áp dụng công nghệ số, dữ liệu số.

'Cú hích' trong tiến trình chuyển đổi số ở thành phố Hải Phòng ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: Mic.gov.vn)

Chuyển đổi số sẽ tạo ra các giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số, với ba trụ cột kinh tế là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại. Chuyển đổi số còn để hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030 Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam, thành phố Hải Phòng đã ban hành kế hoạch 227 về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thành phố đã thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp theo định hướng chú trọng phát triển các trụ cột: xây dựng chiến lược và cơ cấu tổ chức thông minh, xây dựng nhà máy thông minh, vận hành thông minh, tạo ra các sản phẩm thông minh, xây dựng dịch vụ về dữ liệu và phát triển kỹ năng số cho người lao động.

Thời gian tới, để triển khai chuyển đổi số hiệu quả, các sở, ban, ngành của thành phố tích cực, chủ động tham mưu cho Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách có liên quan, kể cả các cơ chế, chính sách liên quan đến thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các sở, ban, ngành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số, internet và không gian mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục