Theo báo cáo của Cơ quan điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), bất chấp nhiều nỗ lực nhằm tăng cường viện trợ lương thực cho Afghanistan, trẻ em nước này đang trong tình trạng khủng hoảng suy dinh dưỡng trầm trọng.
Cơ quan này cũng cảnh báo rằng nếu các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn, số trẻ em có nguy cơ bị lạm dụng và bóc lột sẽ lên đến mức cao kỷ lục.
Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn số liệu của OCHA cho thấy hiện ở Afghanistan có 9,3 triệu người cần được viện trợ.
Con số này tăng 13% so với năm trước, chủ yếu là do cuộc xung đột tiếp tục lan rộng và ngày càng nghiêm trọng.
Báo cáo của OCHA nhấn mạnh Afghanistan vẫn là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất, bạo lực nhất trên thế giới.
Trong các tháng 1-9/2016, số dân thường bị thiệt mạng do các cuộc giao tranh đã lên tới con số kỷ lục 8.397 người, trong khi số người bị mất nhà cửa là nửa triệu người tính tới tháng 11/2016.
Hơn một nửa trong số những người vô gia cư là trẻ em. Các em nhỏ, ngoài bị suy dinh dưỡng, còn phải đương đầu với nguy cơ bị ngược đãi, bị bóc lột dưới các hình thức bị ép tảo hôn, bị lạm dụng tình dục và bị bắt lao động nặng nhọc.
Một trong những mối đe dọa lớn nhất là nạn đói. Hơn 1/4 trong tổng số các tỉnh ở Afghanistan có tỷ lệ suy dinh dưỡng trầm trọng là trên 15%, cao trên ngưỡng khẩn cấp.
Trong tổng số 1,8 triệu người suy dinh dưỡng, có ít nhất 1,3 triệu là trẻ em dưới 5 tuổi. Tính đến tháng 9/2016, chỉ có 250.000 trẻ em được điều trị, chiếm một phần rất nhỏ trong số những em bị bệnh.
Trong khi đó, tình hình tại lương thực tại quốc gia này nói chung là khan hiếm, với việc vụ mùa năm ngoái đạt sản lượng thấp hơn năm 2015, dẫn đến thiếu hụt lương thực.
Báo cáo trên lưu ý rằng trong khi các cuộc giao tranh lan rộng, việc gia tăng đột ngột số người tị nạn từ Pakistan trở về và sự suy giảm kinh tế ảnh hưởng đến Afghanistan, sự thiếu hụt lương thực còn là hậu quả của các trận lụt và hạn hán triền miên ở một số địa phương./.