Đầu tư công: Nhân sự thực hiện ‘yếu’ gây chậm trễ tiến độ dự án

Ngày 30/9 là mốc thời gian đánh giá toàn diện tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương với mục tiêu đặt ra phải đạt tối thiểu đạt 60% kế hoạch đề ra.
Đầu tư công: Nhân sự thực hiện ‘yếu’ gây chậm trễ tiến độ dự án ảnh 1Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trao đổi với báo chí. (Ảnh: MPI)

“Mặc dù, lãnh đạo đầu ngành và địa phương chỉ đạo rất sát sao song năng lực của cấp thực hiện không tốt cũng gây chậm trễ cho các dự án đầu tư công.”

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với báo chí về tình hình giải ngân vốn đầu tư công và các giải pháp điều chỉnh nhằm thúc đẩy nhanh hoạt động giải ngân của năm 2021.

Nhiều khó khăn do COVID-19

- Hiện đã đi qua 2/3 chặng đường của quý 3 với diễn biến dịch bệnh COVID-19 còn rất phức tạp, Thứ trưởng cho biết việc triển khai các dự án đầu tư công trong thời điểm này đang bị tác động ra sao?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2020 là năm đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Ở thời điểm đó, vai trò hỗ trợ cho tăng trưởng của đầu tư công đã được khẳng định với kết quả đạt được hết sức ấn tượng, từ đó đóng góp cho tăng trưởng năm đạt mức tích cực.

Bước sang năm 2021, đầu tư công tiếp tục thể hiện vai trò hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các lĩnh vực về sản xuất kinh doanh và dịch vụ bị ảnh rất nhiều bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, bối cảnh năm nay có những điểm khác biệt cả về thuận lợi và khó khăn. Do đó, giải ngân trong bảy tháng đạt 36% đã thấp hơn mức 40% của năm ngoái.

[Giải ngân vốn đầu tư công chậm có thể mất cơ hội phát triển kinh tế]

Tuy cùng bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, song ở năm 2021 có các yếu tố mới. Các dự án đầu công cũng phụ thuộc vào các vấn đề như vận chuyển nguyên vật liệu-thiết bị để triển khai thi công, công nhân-chuyên gia-tư vấn bị ảnh hưởng trong điều kiện giãn xã hội cách tại nhiều địa phương, theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, việc triển khai thi công các công trình, nhất là ở các địa bàn có dịch rất khó (công nhân phải về nhà hoặc triển khai được 3 tại chỗ song nguyên liệu đầu vào lại khó khăn).

Một yếu tố khác biệt nữa là sự tăng giá của nguyên liệu tại các dự án. Đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, đặc biệt là tâm lý của nhà thầu khi các hợp đồng đã ký. Việc tăng giá khiến họ khó tìm nguồn cung về nguyên liệu hoặc ảnh hưởng đến phương án tài chính khi thực hiện dự án.

Thêm vào đó, sự phân tán về lực lượng cũng như thời gian, vật chất của công tác chỉ đạo điều hành, nhất là tại các địa phương có dịch (phải ưu tiên cả về thời gian và nguồn lực con người và vật chất dành cho công tác chống dịch).

Về thời điểm cũng có sự khác biệt, quý 3 năm nay bị ảnh hưởng dịch bệnh mạnh nhất, trong khi quý 3/2020 lại là quý phục hồi (sau quý 2/2020 bị ảnh hưởng bởi dịch), do vậy khi so sánh như vậy thì các số liệu cũng như các kết quả đã có sự chênh lệch khá lớn.

Đảm bảo tiến độ 60% trong quý 3

- Xin Thứ trưởng cho biết những giải pháp triển khai trong thời gian tới nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: 2021 là năm đầu tiên của một chu trình kế hoạch, đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới, do vậy những tháng đầu năm chủ yếu là thực hiện các bước chuyển tiếp của giai đoạn trước. Và, hầu hết các dự án mới của giai đoạn 2021-2025 chưa thực hiện được vì phải chờ Quốc hội phê duyệt kế hoạch trung hạn 2021-2025.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã sớm trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 (ngày 28/7/2021) của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiều dự án dự kiến sắp tới khởi công, đấu thầu, tạo điều kiện để giải phóng lượng vốn hơn 70.000 tỷ đồng.

Về những đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong bối cảnh thời gian còn lại của năm rất ít và khối lượng yêu cầu giải ngân quá nhiều, đây là một vấn đề rất thách thức. Bộ đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ những vấn đề về vĩ mô, như thành lập Tổ nghiên cứu nhằm tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, song phải nghiên cứu điều chỉnh văn bản pháp luật.

Liên quan đến thủ tục điều chỉnh các dự án đang triển khai, việc này sẽ mất nhiều thời gian do có nhiều thủ tục. Do đó, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo mới về Nghị định số 56/2020/NĐ-CP (ngày 25/5/2020) về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, trong đó có nhiều các bước thủ tục hành chính đối với dự án ODA và hy vọng có các tác động vào các tháng cuối năm và đầu 2022.

Tuy nhiên, các giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy giải ngân đầu tư công phụ thuộc rất nhiều vào các bộ, ngành địa phương trong công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện dự án, nhất là trong bối cảnh tác động bởi dịch COVID-19.

Sự quan tâm lãnh đạo đối với công tác giải ngân vốn đầu tư không nhất thiết là quy mô lớn hay nhỏ. Điều khó khăn ở đây là lực lượng tham giam gia vào dự án đầu tư công ở mức độ nào, bởi các đồng chí lãnh đạo chỉ đạo rất sát sao nhưng năng lực ở cấp thực hiện không tốt cũng sẽ gây chậm trễ trong việc triển khai các dự án.

Một yếu tố nữa là tính chuyên nghiệp, chuyên môn trong công tác quản lý dự án. Song, đây là yếu tố lại rất ít được đầu tư, như nâng cấp năng lực quản lý của Ban quản lý các dự án. Trên thực tế, các đơn vị tiêu thụ ngân sách chủ yếu dùng bộ phận kiêm nhiệm của chính cơ quan chủ quản để thực hiện quản lý nên phần nào ảnh hưởng năng lực của Ban quản lý dự án (do đi thuê ngoài sẽ tăng kinh phí, vì vậy thường chỉ được áp dụng với các dự án có quy mô lớn).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất chia sẻ với các địa phương, nhất là các địa phương bị tác động bởi dịch COVID-19 và mong các địa phương tuỳ điều kiện cụ thể của mình để thúc đẩy ngay vấn đề giải ngân.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63 NQ-CP (ngày 29/6/2021) về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cùng với phát triển bền vững.

Để các giải pháp theo Nghị quyết 63 đi vào thực tế, rất cần sự quan tâm, ý thức của các bộ, ngành quyết liệt hơn đối với các dự án đầu tư và giải ngân. Đặc biệt, ngày 30/9 là với mốc thời gian đánh giá toàn diện tốc độ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương với mục tiêu đặt ra phải đạt tối thiểu đạt 60% kế hoạch.

Tới mốc thời gian này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân và thông báo với các bộ, ngành, địa phương (nếu có nhu cầu bổ sung thêm). Năm nay, việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công sẽ phải báo cáo Thường vụ Quốc hội, do đó việc điều chuyển sẽ phụ thuộc nhiều vào các đơn vị giải ngân tốt… và cân nhắc trong thực tiễn để có sự điều chỉnh hài hòa, kịp thời.

Vừa qua, trong tháng Tám, Bộ đã nhận và đang tổng hợp các đề xuất của một số bộ ngành, địa phương xin giảm kế hoạch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục