Đẩy mạnh cải cách, đổi mới mô hình tăng trưởng, tích cực hội nhập

Sáng 22/1, tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đại hội làm việc tại Hội trường thảo luận về các văn kiện.
Đẩy mạnh cải cách, đổi mới mô hình tăng trưởng, tích cực hội nhập ảnh 1Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình bày tham luận tại Đại hội Đảng lần thứ XII. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 22/1, tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đại hội làm việc tại Hội trường thảo luận về các văn kiện.

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận.

Trong buổi sáng, đã có 11 tham luận của các đại biểu tập trung đánh giá, khẳng định những thành tựu nổi bật của các bộ, ngành, địa phương qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nhìn lại 30 năm đổi mới đất nước. Từ thực tiễn trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành tại địa phương, đơn vị, các đại biểu đã chia sẻ những bài học và đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước và công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ tới.

Hà Nội tiên phong thực hiện thành công mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội tham luận về vấn đề "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng."

Với vị thế là Thủ đô - trái tim của cả nước, có truyền thống ngàn năm văn hiến, Hà Nội được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, tập trung đầu tư về mọi mặt để phát triển thành trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Vì vậy, Hà Nội có trách nhiệm cao trong việc chủ động nhận thức, tiên phong thực hiện, vận dụng sáng tạo, từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát huy các tiềm năng thế mạnh, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng thành công kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn Thủ đô.

Trong suốt 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Trung ương Đảng, qua 6 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ, thành phố Hà Nội ngày càng hoàn thiện nhận thức và tư duy đổi mới về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện đặc thù của Thủ đô. Trong đó, Đảng bộ Hà Nội xác định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa phải tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội.

Phát triển kinh tế phải dựa trên các thiết chế, công cụ và nguyên tắc vận hành kinh tế thị trường để giải phóng sức sản xuất, phát huy mọi nguồn lực để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; nhưng đồng thời phải đi đôi với phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; hội nhập quốc tế phải gắn liền với độc lập dân tộc, giữ vững ổn định chính trị và quốc phòng an ninh, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tham luận tại Đại hội, Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội đánh giá phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nội dung lớn và quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng ta. Qua các kỳ Đại hội, từ Đại hội VI đến Đại hội XI, quan điểm của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không ngừng được phát triển, ngày càng hoàn thiện. Để kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đi vào cuộc sống, vấn đề mấu chốt là phải hoàn thiện thể chế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và chịu tác động sâu sắc, nhiều chiều đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Để phát triển thành công kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc hoàn thiện thể chế là điều kiện tiên quyết, hết sức quan trọng, trong đó cần rà soát lại mô hình tổng quát phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta cho phù hợp với yêu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước trong thời gian tới.

Trong quá trình rà soát, cần xác định những đặc trưng mang tính phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại để tham chiếu, vận dụng trong quản lý, điều hành nền kinh tế nước ta; rà soát và có lộ trình điều chỉnh, bổ sung các chính sách, pháp luật và văn bản hướng dẫn có liên quan về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về chế độ sở hữu, phân phối và lưu thông hàng hóa; bên cạnh việc vận dụng thống nhất, đồng bộ và hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong cả nước, cần tính đến các đặc thù của từng vùng, từng địa phương.

Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng

Tham luận về "Các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh" đã được đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh trình bày trước Đại hội.

Thể hiện sự nhất trí cao với những mục tiêu và giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh được đề ra trong các Văn kiện trình Đại hội XII, Đoàn đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh năm nội dung chính yếu trong việc định hình các giải pháp về nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế là nội dung cốt lõi nhất để thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng. Trong những năm qua, những ràng buộc về tính thống nhất của thể chế chưa cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thật sự khai thác, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng phát triển, phù hợp với điều kiện đặc thù của một đô thị đặc biệt và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy, trong thiết kế thể chế rất cần chú trọng vào hình thành các động lực, phù hợp với điều kiện từng vùng, miền, tạo không gian chủ động cho các địa phương.

Quá trình hoàn thiện thể chế cần tạo đột phá trong cải cách hành chính và tài chính công; quy định minh bạch ba cơ chế về phân quyền, phân cấp và ủy quyền cho địa phương; đồng thời tạo cơ chế để tăng cường hiệu lực kiểm tra, thanh tra của Chính phủ đối với chính quyền địa phương. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu tập trung hơn nữa vào 3 nhiệm vụ là: hoạch định chính sách; ban hành các quy định và kiểm tra, giám sát, chế tài vi phạm.

Đối với các quyết định cụ thể liên quan đến đời sống kinh tế ở mỗi địa phương, nên để địa phương thực hiện. Mong muốn Chính phủ sẽ thực hiện mạnh mẽ hơn trong chủ trương rất đúng đắn là chuyển nền hành chính mang nặng mục tiêu quản lý, bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân sang nền hành chính mang tính chất phục vụ, dựa trên cơ sở hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ công, các định chế yểm trợ, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ hai, chú trọng đặc thù ở những đô thị, phát huy vai trò động lực của các đô thị đặc biệt để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh. Thành phố đề xuất tiếp tục nghiên cứu về đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị trong khuôn khổ tổ chức hệ thống chính quyền địa phương theo hướng mở rộng tính tự chủ và chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.

Việc phân cấp quản lý trên cơ sở nguyên tắc thống nhất của nền hành chính quốc gia, bảo đảm tính chất của một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đơn nhất, đồng thời đề cao tính tự chủ của chính quyền địa phương trong giải quyết các vấn đề bức xúc và cơ bản của đô thị, khai thác nguồn lực trên nền tảng tăng lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh của các địa phương, các vùng kinh tế và các đô thị đặc biệt.

Thứ ba, nâng cao năng suất lao động, tích tụ và lan tỏa tri thức là tác nhân quan trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh.

Thứ tư, sử dụng hội nhập quốc tế như động lực để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh.

Thứ năm, nâng cao chất lượng tăng trưởng phải nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân.

Ba trụ cột đổi mới thể chế kinh tế

Thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng chí Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Bộ trưởng đã tham luận về vấn đề "Đẩy mạnh cải cách thể chế, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ."

Nhấn mạnh việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách, Bộ trưởng đề xuất trọng tâm đổi mới thể chế kinh tế trong giai đoạn tới cần dựa trên 3 trụ cột: Một là thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường. Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm 7% có nghĩa là tương đương với mức tăng trưởng GDP hàng năm 8% để đến năm 2035 có mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000-18.000 USD.

Để đạt được mục tiêu này, con đường duy nhất là phải tăng năng suất. Trước mắt, phải nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện, củng cố nền tảng của thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin. Hai là phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, Nhà nước cần tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng trung tâm hướng dẫn và đào tạo cho doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cung cấp các kiến thức cũng như nguồn vốn thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm nhằm tạo ra làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong toàn xã hội. Phải coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia. Thứ ba, để duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài cần có một chương trình cải cách tích cực, đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo; xây dựng một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chính là cách thức để cải thiện tình hình về năng suất lao động của Việt Nam.

Bên cạnh những chính sách phát triển kinh tế nhanh, mạnh mẽ, phải xây dựng những chính sách đảm bảo sự công bằng trong phát triển cũng như cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho mọi người dân, nhất là những đối tượng yếu thế, thiệt thòi trong xã hội.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề cao vấn đề hiệu lực của Nhà nước dựa trên 3 trụ cột hỗ trợ: Chính phủ được tổ chức tốt với công chức thực tài và có kỷ luật, phải nỗ lực để xử lý các vấn đề để tạo ra một cấu trúc Nhà nước chặt chẽ hơn, mạnh mẽ hơn và đảm bảo chế độ chức nghiệp thực tài.

Nguyên tắc thị trường cần được áp dụng đầy đủ hơn trong hoạch định chính sách kinh tế trên cơ sở phân định rõ các lĩnh vực công và tư, hạn chế xung đột lợi ích, tăng cường bảo vệ quyền tài sản (đặc biệt là về đất đai), thực thi cạnh tranh thị trường và hợp lý hóa sự tham gia của Nhà nước trong nền kinh tế. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình thông qua việc xây dựng một cơ chế hữu hiệu về kiểm soát và cân bằng giữa ba nhánh quyền lực, tạo dựng khuôn khổ pháp lý, thúc đẩy quyền công dân. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời của công dân và tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng.

Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia

Là một địa phương có thế núi, hình sông, lưng tựa dải Trường Sơn, mặt hướng ra Biển Đông, trải dài trên 130km bờ biển, tham luận "Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia" của đồng chí Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi khẳng định phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là một đại chiến lược của đất nước, vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 thể hiện trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương có chủ trương đầu tư xây dựng, hiện đại hóa các cảng biển gắn với nâng cấp hệ thống giao thông ven biển.

Về lâu dài cần, đầu tư xây dựng đường cao tốc dọc bờ biển để phục vụ phát triển kinh tế biển kết hợp với đảm bảo an ninh quốc phòng; có chính sách hỗ trợ các tỉnh ven biển phát triển, hiện đại hóa đội tàu công suất lớn để nâng cao hiệu quả khai thác dài ngày trên biển; đồng thời có chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân giàu mạnh tức là nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản thủy sản nhằm gia tăng giá trị sản xuất, chế biến các sản phẩm từ biển, thúc đẩy hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; sớm có chủ trương đưa khí vào bờ để tạo điều kiện đẩy mạnh tiến độ phát triển Khu kinh tế Dung Quất.

Đối với huyện đảo Lý Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng huyện đảo trở thành một đô thị biển hiện đại với thế mạnh vượt trội là kinh tế du lịch, thủy sản, đồng thời là một cứ điểm quân sự trọng yếu trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Theo đó, cần tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trên các đảo và vùng ven biển, đảm bảo an sinh xã hội để người dân ra định cư lâu dài trên các đảo, nhất là những đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển đảo.

Ưu tiên đầu tư vốn cho các công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại để ngăn ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự vùng biển, bảo vệ ngư dân sản xuất trên biển; đồng thời sẵn sàng tác chiến thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế

Tham luận với chủ đề "Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, những vấn đề đặt ra cho giai đoạn tới," Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề xuất, kiến nghị cụ thể về hội nhập kinh tế quốc tế cho giai đoạn tới.

Thực hiện chủ trương của Đảng và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiến hành nghiên cứu, đàm phán và ký kết nhiều thỏa thuận kinh tế thương mại quốc tế. Từ năm 2010 đến nay, chúng ta đã chuyển sang giai đoạn chủ động đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước trong khu vực và thế giới, tạo điều kiện quan trọng cho cải cách kinh tế trong nước và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp, nâng cao lợi thế cạnh tranh của hàng hóa. Hơn thế nữa, kết quả hội nhập kinh tế to lớn đó còn giúp Việt Nam thực hiện chiến lược xoay trục thị trường, thúc đẩy cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong giai đoạn mới đòi hỏi chúng ta phải chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tận dụng các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế, giảm thiểu tác động tiêu cực.

Khẳng định chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” phải là một nội dung trọng tâm trong các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, với mục tiêu thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển bền vững; thúc đẩy chuyển dịch và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh; tích cực tham gia sâu và rộng vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đồng chí nêu rõ trong phát triển kinh tế và thương mại, cần chú trọng việc đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ nước ta trên trường quốc tế.

Hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn tới cần có chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng trong từng giai đoạn về hội nhập quốc tế, sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự quản lý thống nhất của Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; gắn kết giữa hội nhập kinh tế quốc tế với đẩy mạnh cải cách trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế; bảo đảm tầm nhìn dài hạn về các mục tiêu phát triển kinh tế, mục tiêu chính trị ngoại giao và mục tiêu chiến lược trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; chú trọng thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mức độ cam kết và tự do hóa thương mại ngày càng cao hơn; cần có sự thống nhất mục tiêu hội nhập từ trung ương đến địa phương.

Tận dụng tối đa các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm. Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, đánh giá và dự báo các vấn đề mới, các xu thế vận động của hội nhập....

Chiều nay 22/1, Đại hội làm việc tại Hội trường tiếp tục thảo luận về các văn kiện Đại hội./.

Đẩy mạnh cải cách, đổi mới mô hình tăng trưởng, tích cực hội nhập ảnh 2

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục