"Đề nghị loại Nga khỏi hiệp hội SWIFT sẽ gây tổn hại lớn"

Ngày 18/9, SWIFT cho rằng đề nghị của Nghị viện châu Âu muốn loại Nga khỏi hiệp hội là vi phạm quyền lợi của SWIFT và gây tổn hại lớn cho hệ thống thanh toán điện tử.

Trong một tuyên bố ngày 18/9, Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) cho rằng đề nghị của Nghị viện châu Âu muốn loại Nga khỏi hiệp hội là vi phạm quyền lợi của SWIFT và gây tổn hại vô cùng to lớn đến hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng toàn cầu này.

Tuyên bố nêu rõ theo các nguyên tắc cơ bản của luật pháp châu Âu được ghi trong Hiến chương Liên minh châu Âu (EU), việc Nghị viện châu Âu (EP) nhắc đến SWIFT trong nghị quyết hối thúc xem xét loại Nga ra khỏi hệ thống giao dịch tài chính toàn cầu này như một biện pháp trừng phạt bổ sung vì vai trò của Moskva trong cuộc xung đột ở Ukraine là vi phạm quyền cơ bản về kinh doanh và quyền sở hữu của SWIFT.

Ngoài ra, SWIFT chỉ rõ rằng nghị quyết của EP mang tính chất phân biệt đối xử và can thiệp bất bình đẳng. SWIFT cũng nhấn mạnh, hành động của EU có thể gây thiệt hại vô cùng to lớn cho hiệp hội, tuy nhiên không ảnh hưởng đến việc hợp tác giữa SWIFT với các công ty Nga, hay đến chức năng là nhà cung cấp dịch vụ tài chính toàn cầu và trung lập của hiệp hội.

Tuyên bố của SWIFT được đưa ra sau khi trong một nghị quyết không mang tính ràng buộc ngày 18/9, EP đề xuất EU chấm dứt quan điểm đối tác chiến lược với Nga, sau đó xem xét loại bỏ Nga khỏi hệ thống SWIFT, cũng như từ chối tham gia dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Nam" và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

SWIFT - có trụ sở chính tại La Hulp, Bỉ và được thành lập từ cách đây hơn 35 năm - hiện liên kết với hơn 9.000 tổ chức tài chính trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Canada đã quyết định rút lại biện pháp trừng phạt đối với hai ngân hàng của Nga là Expobank và Rosenergobank do không coi hai ngân hàng này liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Canada Beatris Fenelon thông báo với hãng TASS của Nga ngày 18/9 rằng sau khi phân tích các thông tin nhận được, Chính phủ nước này nhận thấy hai ngân hàng trên không liên quan gì đến các sự kiện tại Ukraine, do đó quyết định rút cả hai ngân hàng khỏi danh sách các cá nhân và pháp nhân Nga bị Canada trừng phạt do cho rằng có dính líu đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Tuy nhiên, bà Fenelon cho biết thêm danh sách trên đã được bổ sung ngân hàng tiết kiệm Nga Sberbank./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục