Đến thăm xứ đạo Phạm Pháo - làng sửa kèn đồng duy nhất của cả nước

Làng Phạm Pháo thuộc Giáo xứ Phạm Pháo, xã Hải Minh, Nam Định có khoảng 50% dân số theo đạo Công giáo. Từ lâu, chiếc kèn đồng gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Đến thăm xứ đạo Phạm Pháo - làng sửa kèn đồng duy nhất của cả nước ảnh 1Ông Nguyễn Văn Cường (65 tuổi) là người thợ cao tuổi nhất của làng hàng ngày vẫn cần mẫn sửa kèn cho khách. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Không chỉ sử dụng thành thục các loại kèn, người dân làng Phạm Pháo, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định còn có thể sản xuất và sửa chữa hầu hết các loại kèn đồng.

Đây được xem là nơi còn duy trì nghề sửa kèn đồng duy nhất của cả nước.

Làng Phạm Pháo thuộc Giáo xứ Phạm Pháo, xã Hải Minh có khoảng 50% dân số theo đạo Công giáo. Từ lâu, chiếc kèn đồng gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân nơi đây.

Dưới những mái vòm nhà thờ cổ, thỉnh thoảng, âm thanh của những tiếng kèn đồng vang lên, ngân xa, làm cho không gian ở xứ đạo Phạm Pháo thêm phần cổ kính, uy linh.

[Phạm Pháo: ngôi làng sản xuất kèn đồng lừng danh thành Nam]

Đồng bào Công giáo nơi đây không chỉ là những người thợ mà còn là người chơi nhạc tài ba. Sửa chữa kèn đồng sớm trở thành nghề truyền thống ở địa phương, góp phần tạo nên một vùng đạo bách nghệ tinh thông.

Nghệ nhân sửa chữa kèn đồng Nguyễn Văn Cường được xem là người có thâm niên với nghề nhất ở làng Phạm Pháo, với hơn 50 năm gắn bó với nghề làm, sửa kèn đồng. Cũng bởi vậy, đến làng Phạm Pháo hỏi ông "Cường kèn" thì người dân làng ai ai cũng biết.

Vừa tỉ mỉ mài giũa những chi tiết nhỏ, sửa kèn cho khách, ông Cường tâm sự, đã học nghề sửa kèn của gia đình từ nhỏ.

Những năm 50 của thế kỷ XX, kèn đồng theo chân người Pháp đến với vùng Phạm Pháo và trở thành nhạc cụ yêu thích của người dân địa phương.

Tuy nhiên, ngày đó số lượng kèn trong dân rất ít, khi hỏng không thể mua mới nên người chơi nhạc đã nghĩ cách sửa chữa và làm mới những chiếc kèn đồng phục vụ cho sinh hoạt văn hóa và đời sống tinh thần hàng ngày.

Theo ông Cường, ban đầu người dân trong làng thường chế tạo mới những chiếc kèn để bán cho các xứ đạo quanh vùng. Việc làm kèn chủ yếu là chế tác thủ công, tất cả các khâu từ lên khuôn, làm những chi tiết lớn, nhỏ, tinh xảo đến việc đánh bóng, tạo âm...

Các công đoạn chế tác đều do người thợ tự nghiên cứu nhưng chất lượng của những chiếc kèn luôn được đánh giá cao.

Để làm kèn hay sửa kèn sao cho giữ được thanh âm, ngoài việc lựa chọn chất liệu đạt tiêu chuẩn, người thợ phải có đôi tay khéo léo.

Về chất liệu làm kèn, ông Cường cho biết lá đồng phải nhập của Nga hoặc Hàn Quốc mới làm ra chiếc kèn bền đẹp. Những lá đồng sẽ được cán phẳng, gò bằng tay, dùng máy uốn tự để tạo thành những chiếc kèn và máy tiện cho các chi tiết và công đoạn khó.

Chiếc kèn có rất nhiều chi tiết song quan trọng nhất là bộ phím kèn phải làm cho kín và trơn tru, dễ bấm. Để làm được chi tiết này, người thợ không chỉ cần kinh nghiệm, đôi tay khéo léo mà phải có độ thẩm âm tinh tế thì âm kèn mới chuẩn.

Gia đình ông đã có 4 đời làm nghề sửa chữa kèn đồng. Hiện gia đình chỉ nhận làm mới những loại kèn to, khó tìm kiếm trên thị trường, còn công việc chủ yếu vẫn là sửa chữa kèn.

Mọi người trong gia đình ông Cường đều thành thục sửa chữa gần 20 loại kèn khác nhau như: trumpet, saxophone, bass, trombone, baritong…

Anh Nguyễn Văn Chi, con trai ông Cường, cho hay mỗi loại kèn có một cách sửa chữa khác nhau nhưng khó nhất là các lỗi liên quan đến âm thanh hoặc hỏng chi tiết, gặp những lỗi này người thợ phải vừa có tay nghề cao vừa kinh nghiệm thực tế mới xử lý được.

Trước kia, khi thị trường kèn đồng chưa phong phú, hầu hết các gia đình trong làng Phạm Pháo đều làm nghề sửa kèn. Nhưng nay, trong làng chỉ còn chưa đến chục hộ duy trì nghề này. Nghề sửa chữa kèn đồng thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cùng một gia đình, dòng họ. Bởi vậy, trở thành nghề truyền thống, nghề cha truyền con nối ở đây.

Theo người dân làng Phạm Pháo, việc lưu truyền nghề chủ yếu dựa vào niềm đam mê với cây kèn đồng của người dân, còn nếu tính giá trị kinh tế, ngày công thì không cao.

Anh Nguyễn Trung Kiên (23 tuổi), được xem là người thợ trẻ nhất của làng hàng ngày vẫn kiên trì bên bàn sửa chữa kèn cho khách hàng mọi miền đất nước.

Anh Kiên tâm sự, sửa kèn hay làm kèn đều không khó, cái khó là người thợ có đủ sự kiên trì và đam mê hay không.

Những năm gần đây, làng Phạm Pháo, xã Hải Minh trở thành điểm tham quan lý thú, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng những chiếc kèn với đủ mọi chủng loại, kích cỡ.

Trước khi xuất hiện dịch COVID-19, mỗi tuần có khoảng 2 đoàn khách du lịch tới thăm quan, tìm hiểu về nghề này.

Đến thăm xứ đạo Phạm Pháo - làng sửa kèn đồng duy nhất của cả nước ảnh 2Không chỉ là nơi sửa kèn, trong những gia đình đang giữ nghề trưng bày hàng nghìn chiếc kèn đồng khác nhau. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Trong tương lai, nếu duy trì tốt nghề sửa kèn đồng, có thể nơi đây sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch làng nghề của tỉnh Nam Định, mở ra triển vọng phát triển mới cho người dân Phạm Pháo.

Còn với người thợ, người dân làng Phạm Pháo, chiếc kèn là nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Công giáo. Vì thế, ngọn lửa rèn đồng trong mỗi gia đình có lúc tạm thời nguội đi nhưng ngọn lửa nghề trong mỗi người dân Phạm Pháo luôn cháy mãi, mặc cho xã hội có phát triển đến đâu./.

Không chỉ là nơi sửa kèn, trong những gia đình đang giữ nghề trưng bày hàng nghìn chiếc kèn đồng khác nhau. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Không chỉ là nơi sửa kèn, trong những gia đình đang giữ nghề trưng bày hàng nghìn chiếc kèn đồng khác nhau. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Ông Nguyễn Văn Cường (65 tuổi) là người thợ cao tuổi nhất của làng hàng ngày vẫn cần mẫn sửa kèn cho khách. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Ông Nguyễn Văn Cường (65 tuổi) là người thợ cao tuổi nhất của làng hàng ngày vẫn cần mẫn sửa kèn cho khách. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Mọi chi tiết đều được người thợ làm thủ công. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Mọi chi tiết đều được người thợ làm thủ công. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Những người trẻ tuổi trong làng luôn ý thức giữ gìn nghề truyền thống. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Những người trẻ tuổi trong làng luôn ý thức giữ gìn nghề truyền thống. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Mọi chi tiết đều được người thợ làm thủ công. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Mọi chi tiết đều được người thợ làm thủ công. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Mọi chi tiết đều được người thợ làm thủ công. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Mọi chi tiết đều được người thợ làm thủ công. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục