Dịch COVID-19: Đà Nẵng tiếp tục dừng hoạt động của cảng cá Thọ Quang

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cho hay, ngoài chuỗi lây nhiễm cảng cá Thọ Quang thì các chuỗi lây nhiễm khác trên địa bàn thành phố đều đã được kiểm soát.
Lực lượng chức năng tuần tra tại Khu vực cảng cá Thọ Quang để đảm bảo việc phòng, chống dịch. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Lực lượng chức năng tuần tra tại Khu vực cảng cá Thọ Quang để đảm bảo việc phòng, chống dịch. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chiều 1/8, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng tổ chức họp bàn về biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Ông Phan Văn Sơn, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho hay, tính từ 13 giờ ngày 31/7 đến 13 giờ ngày 1/8, Đà Nẵng ghi nhận 76 ca mắc COVID-19, 55 trường hợp cách ly tập trung, 6 trường hợp trong khu vực phong tỏa, 15 ca chưa được cách ly.

Các ca mới phát sinh chủ yếu trên địa bàn quận Sơn Trà, tập trung ở phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang, An Hải Bắc, Phước Mỹ, Mân Thái.

Đáng chú ý, trường hợp F1 liên quan chuỗi V.H.B (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), đã hoàn thành cách ly tại khách sạn Seven Sea (quận Sơn Trà), sau khi xét nghiệm đã ghi nhận dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong ngày 1/8, Đà Nẵng tổ chức xét nghiệm cho 52.566 lượt người, tập trung lấy mẫu tại 2 điểm nóng là lò mổ Đà Sơn và cảng cá Thọ Quang.

Đây là kỷ lục về số lượng người được xét nghiệm trong ngày của thành phố Đà Nẵng.

Hiện, thành phố đang thực hiện cách ly, giám sát 2.587 trường hợp F1 và 4.434 trường hợp F2.

Ông Phan Văn Sơn đề xuất, quận Sơn Trà cần tăng tốc truy vết, phong tỏa, xét nghiệm những điểm nóng trên địa bàn quận; quản lý chặt chẽ khu phong tỏa, tuyệt đối không cho người dân ra ngoài tại khu vực phong tỏa cứng, thực hiện nghiêm Chỉ thị 05 của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Đánh giá về tình hình kiểm soát dịch bệnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) Tôn Thất Thạnh cho hay, ngoài chuỗi lây nhiễm cảng cá Thọ Quang, thì các chuỗi lây nhiễm khác đều đã được kiểm soát.

Ông Thạnh đề xuất, quận Sơn Trà phong tỏa cứng, nội bất xuất ngoại bất nhập với phường Thọ Quang (trước đó đã phong tỏa cứng phường Nại Hiên Đông); tổ chức lấy mẫu xét nghiệm 100% người dân tại 2 phường Nại Hiên Đông và Thọ Quang (quân Sơn Trà).

Ngoài ra, các phường Mân Thái, An Hải Bắc, Phước Mỹ số ca lây nhiễm không cao nên chỉ tổ chức lấy xét nghiệm 100% đại diện hộ gia đình.

[Đà Nẵng trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16]

Ông Thạnh đề nghị, quận Sơn Trà xem xét quy trình cách ly tại khách sạn Seven Sea. Đối với những người hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày, phải có sự giám sát của cơ sở y tế 14 ngày và thực hiện lấy mẫu thêm 2 lần.

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, đề nghị Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 triển khai Công điện 103 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung quan trọng cần lưu ý đó là “tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 đến khi hết giãn cách”.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, tính từ ngày 3/5/2021 đến nay, Đà Nẵng đã vượt mốc 1.000 ca; đặc biệt, hôm nay (1/8) Đà Nẵng phát hiện 76 ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước đến nay. Điều này chứng tỏ dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang ở mức độ nguy hiểm cao.

Ông Quảng cho hay, đến thời điểm hiện tại lực lượng chức năng vẫn chưa truy vết hết các trường hợp liên quan đến cảng cá Thọ Quang, việc này dẫn đến nhiều ca mắc COVID-19 còn phát sinh ở cộng đồng liên quan đến cảng cá.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các quận huyện có biện pháp để truy vết những người có liên quan đến cảng cá Thọ Quang; tiến hành phát phiếu điều tra đến hộ gia đình khai báo có liên quan đến cảng cá Thọ Quang hay không và yêu cầu các địa phương hoàn thành trong vòng 2 ngày.

Về triển khai Nghị quyết 08 của Thành ủy và Chỉ thị 05 của Ủy ban Nhân dân thành phố, ông Nguyễn Văn Quảng biểu dương các đơn vị, quận huyện đã chủ động trong việc triển khai, có nhiều biện pháp sáng tạo; có nhiều cách làm hay cần được nhân rộng.

Đơn cử như, quận Thanh Khê linh động trong việc xác định chốt cứng, chốt mềm, huy động nhiều lực lượng tham gia kiểm soát thực hiện Chỉ thị 05 của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Ông Quảng nhận định, Đà Nẵng triển khai Chỉ thị 05 của Ủy ban Nhân dân thành phố vào đúng ngày Chủ Nhật, vì vậy chưa bộc lộ điểm thiếu sót, ngày mai (2/8) có thể sẽ phát sinh những yếu tố phức tạp, xung đột.

Vì vậy Bí thư Thành ủy đề nghị các địa phương chuẩn bị phương án để tránh bị động, chủ động và linh hoạt trong việc xử lý.

Cùng với đó, các địa phương cần phổ biến nội dung của Chỉ thị 05 Ủy ban Nhân dân thành phố đến lực lượng tại các chốt để nắm và hiểu rõ, thực hiện hiệu quả.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, lưu ý các địa phương cần phải thực hiện công tác tuyên truyền đến từng khu dân cư; lập bản đồ của các chốt trên địa bàn và khu dân cư, chuyển về Sở Thông tin và Truyền thông để theo dõi liên kết, hỗ trợ quản lý tại các điểm chốt; yêu cầu cơ quan chức năng tuyệt đối đảm bảo cung ứng hàng hóa đối với điểm phong tỏa, khu cách ly, triển khai khẩn trương gói hỗ trợ của thành phố và của Trung ương.

Kết luận buổi họp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đề nghị quận Sơn Trà tập trung tăng cường lực lượng kiểm soát chặt, phong tỏa cứng phường Nại Hiên Đông và Thọ Quang, đảm bảo người dân không được ra khỏi phường, cung ứng đầy đủ thực phẩm cho người dân ở đây.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị tiếp tục dừng hoạt động cảng cá Thọ Quang, trong đó dừng việc tiếp nhận tất cả tàu các địa phương khác vào; xem xét tiếp nhận tàu cá Đà Nẵng.

Giao quận, huyện, xã, phường phát phiếu điều tra các trường hợp liên quan đến cảng cá Thọ Quang.

Giao cho văn phòng, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu mẫu đi đường và số hóa mẫu giấy đi đường; xử lýnghiêm những người cấp tùy tiện giấy đi đường không đúng quy định.

Tổng đài 1022 phát huy vai trò trả lời kiến nghị của người dân, phân công người có trách nhiệm giải đáp câu hỏi, theo tinh thần tất cả ý kiến của người dân phải trả lời nhanh nhất…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục