Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018: Hóa giải chia rẽ vì lợi ích chung

WEF 2018 vừa diễn ra ở Davos, với sự tham gia hơn 3.000 đại biểu từ hơn 100 quốc gia, trong đó có 70 nguyên thủ là sự kiện thu hút sự quan tâm lớn nhất của dư luận quốc tế tuần qua.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018: Hóa giải chia rẽ vì lợi ích chung ảnh 1Chủ tịch mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cựu Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende tại buổi họp báo. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2018 vừa diễn ra tại Davos của Thụy Sĩ, với sự tham gia hơn 3.000 đại biểu từ hơn 100 quốc gia, trong đó có 70 nguyên thủ là sự kiện thu hút sự quan tâm lớn nhất của dư luận quốc tế trong tuần qua.

Việc giới tinh hoa chính trị và kinh tế toàn cầu hội tụ nhằm thảo luận và tìm lời giải cho những thách thức chung được xem là hết sức cần thiết trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế thế giới vẫn chưa bền vững, trong khi mối lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng có thể làm lụi bại những thành quả đã đạt được.

Bản thân chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong thế giới rạn nứt” cũng đã thể hiện đầy đủ nhất bản chất, thực trạng của thương mại toàn cầu hiện nay. Đó là sự khác biệt giữa tư tưởng duy trì chủ nghĩa bảo hộ với quan điểm thúc đẩy tự do hóa thương mại.

Bất đồng này, cùng với sự chia rẽ do gia tăng cạnh tranh giữa các quốc gia và phân hóa sâu sắc do bất bình đẳng trong từng quốc gia, đang trở thành thách thức cản trở sự phát triển bền vững.

Bởi vậy, lời kêu gọi biến năm 2018 thành năm của hợp tác đa phương nhằm giải quyết những thách thức quan trọng mang tính toàn cầu, đã nhận được sự đóng góp và phản hồi khá tích cực từ nhiều quốc gia tham gia WEF lần thứ 48.

Bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và sau đó của Thủ tướng Canada, Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp và nhiều nhà lãnh đạo khác đều đề cao vai trò của toàn cầu hóa và tăng cường hợp tác đa phương, khẳng định chính sách “dựng lên các rào cản thương mại" cũng như bảo hộ mậu dịch sẽ chỉ đẩy thế giới vào tình trạng tồi tệ.

Nhiều ý kiến thừa nhận rằng xu hướng bảo hộ thương mại đi ngược lại quá trình phát triển tất yếu.

[Tổng thống Donald Trump: Khi Mỹ phát triển, thế giới cũng phát triển]

Việc 11 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt được sự nhất trí về nội dung sửa đổi và nhất trí ký kết thỏa thuận vào tháng Ba tới có thể coi là “lời cam kết” của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình liên kết kinh tế và tự do hóa thương mại theo hướng cân bằng lợi ích các bên.

Đặc biệt, việc các nước tham gia đàm phán hóa giải được bất đồng và đi thống nhất về CPTPP đúng vào dịp diễn ra Davos 2018 càng có ý nghĩa, như một thông điệp khẳng định vai trò của thương mại tự do toàn cầu.

Sự có mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhân vật với quan điểm “nước Mỹ trước tiên” và những hành động “khác người” làm xáo trộn cả thế giới suốt một năm qua kể từ khi nhậm chức, cũng gây sự chú ý.

Tổng thống Trump vẫn được xem là người có tư tưởng cục bộ, phản đối các thỏa thuận thương mại đa phương, áp đặt các biện pháp bảo hộ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất và người lao động Mỹ.

Tuy nhiên, trong lần xuất hiện đầu tiên tại Davos 2018, diễn đàn được coi là nơi cổ động cho chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại, Tổng thống Trump có vẻ không muốn “đối đầu,” mà chọn diễn đàn Davos để làm rõ hơn về chính sách của Washington khi khẳng định ủng hộ tự do thương mại công bằng.

Tuyên bố mong muốn xây dựng quan hệ "đối tác và hữu nghị" với các nước trên thế giới cho thấy ông Trump đã mềm dẻo hơn so với những quan điểm cứng rắn sẵn sàng phát động “cuộc chiến thương mại” nếu gây thiệt hại cho nước Mỹ.

Những phát ngôn: "Nước Mỹ trước tiên không có nghĩa là nước Mỹ đơn độc," "Mỹ ủng hộ thương mại tự do, nhưng cần công bằng và có đi có lại," “Khi Mỹ phát triển, thế giới cũng phát triển” hay “Mỹ mở cửa thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn bao giờ hết trong một năm qua” có thể được hiểu là cách để ông Trump bảo vệ chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” song vẫn để ngỏ hợp tác trên cơ sở các bên giữ cam kết đối với thương mại tự do theo hệ quy chiếu của nước Mỹ, đó là thương mại “có đi có lại,” không gây thiệt hại cho nước Mỹ.

Việc người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố sẽ xem xét các thỏa thuận thương mại song phương "mang lại lợi ích chung" với các nước trên thế giới, trong đó có CPTPP - thỏa thuận thay thế Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã rút khỏi.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018: Hóa giải chia rẽ vì lợi ích chung ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đồng thời, ông Trump kêu gọi các nước tăng cường hợp tác hướng tới các mục tiêu chung, cũng được xem là những động thái làm giảm không khí căng thẳng vốn được dự báo có thể tạo ra cuộc tranh cãi nảy lửa giữa một bên ủng hộ thương mại tự do và một bên là chủ nghĩa bảo hộ.

Có thể nói, sự xuất hiện và những tuyên bố của Tổng thống Trump đã phần nào xoa dịu được mối lo rằng Mỹ sẽ phát động những “cuộc chiến thương mại,” mà cho thấy Mỹ có thể thương lượng để cùng tìm kiếm giải pháp chung.

Những sự kiện tại Davos năm nay có thể coi là tín hiệu tích cực đầu tiên của sự sẵn sàng hóa giải những chia rẽ, bất đồng để hướng tới mục tiêu đối phó với thách thức chung.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm những lợi ích và giá trị chung cũng chính là yếu tố để các quốc gia nhìn nhận lại và nỗ lực hơn nữa trong việc định hình vai trò của mình trong mọi vấn đề.

Rõ ràng trong một thế giới đang rạn nứt, hành động một cách hợp tác, hài hòa trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Hội nghị thường niên WEF sẽ là diễn đàn không thể thiếu để các bên tìm được tiếng nói chung hàn gắn và ngăn chặn những vết nứt mới nhằm đạt được lợi ích chung thông qua tăng trưởng bao trùm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục