Độc quyền trong truyền tải điện: Năng lượng tái tạo bị ''trói tay''

Ngành điện đang đứng trước bài toán "hóc búa,” một mặt phải nâng cao năng lực truyền tải, một khác lại phải tận dụng năng lực phát triển năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hệ thống điện Mặt Trời áp mái được lắp đặt trên nóc trụ sở Công ty Điện lực Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Hệ thống điện Mặt Trời áp mái được lắp đặt trên nóc trụ sở Công ty Điện lực Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Theo quy định, Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện và hiện chưa có những điều kiện cụ thể để tận dụng nguồn lực xã hội đầu tư vào hệ thống truyền tải điện. Trong khi các dự án điện tái tạo lại phát triển quá nhanh, điều này khiến hệ thống truyền tải không theo kịp đã dẫn tới quá tải và nhà máy phải giảm phát tới 60% công suất, gây thất thoát, lãng phí.

Đây chính là vướng mắc được nêu ra tại Hội thảo quốc tế “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam – Từ chính sách tới thực tiễn,” do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Trung Tâm Tin Tức VTV24, Văn phòng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Công ty Truyền thông TAJ Việt Nam phối hợp tổ chức, ngày 27/11.

Phân tích về thực trạng của ngành điện, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng nguy cơ thiếu điện của Việt Nam đã được tích tụ từ nhiều năm trước. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, các dự án nhiệt điện than đã quay trở lại. Nhưng các dự án này cũng không đủ tiến độ để đáp ứng Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), dẫn đến khả năng ngành điện sẽ không hoàn thành mục tiêu bổ sung 7.000 MW điện mỗi năm.

"Bên cạnh đó, việc bảo vệ môi trường khiến ngành điện phát triển nhà máy nhiệt điện đứng trước nhiều áp lực. Do đó, nguồn điện vốn nhận được kỳ vọng lớn trong xã hội thời gian qua là năng lượng tái tạo hiện có công suất lắp đặt chiếm tỷ trọng khoảng 9% tổng công suất nguồn điện cả nước nhưng sản lượng mới chỉ đạt 2,5%," ông nói.

[Ồ ạt đầu tư điện mặt trời: Lưới truyền tải không theo kịp]

Tuy nhiên trên thực tế, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khi trả lời chất vấn của các đại biểu, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 14 đã cho biết: Đến cuối tháng Sáu, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời với tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW và chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020).

Để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đã đặt kế hoạch đầu tư lưới điện rất lớn trong các năm tới. Theo kế hoạch này, giai đoạn 2016-2020 tổng vốn đầu tư lưới điện là 214.000 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2030 là 610.000 tỷ đồng. Tuy nhiên với số vốn đầu tư này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ khó lòng đáp ứng được năng lực tài chính, trong khi Việt Nam chưa có chính sách cụ thể để tận dụng nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào hệ thống truyền tải điện.

Độc quyền trong truyền tải điện: Năng lượng tái tạo bị ''trói tay'' ảnh 1Hội thảo quốc tế “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam – Từ chính sách tới thực tiễn,” ngày 27/11. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ vấn đề trên đang cho thấy, ngành điện đang đứng trước bài toán "hóc búa,” một mặt phải tìm giải pháp nâng cao năng lực truyền tải, một khác lại phải tận dụng năng lực phát triển năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tại hội thảo, ông Ngãi chia sẻ thêm, hiện các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt vẫn đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng. Tuy nhiên nguồn nguyên liệu này đang dần cạn kiệt, gây ra biến đổi khí hậu và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng mới có khả năng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng sinh khối là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong khi, Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đường bờ biển dài hơn 3.000km, gió biển quanh năm, số giờ nắng trong ngày lớn, đây chính là điều kiện thuận lợi để nước ta có thể khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong cuộc sống. Do đó, nếu có những chính sách tháo gỡ kịp thời thì nguồn điện từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo sẽ góp phần bổ sung nguồn điện, giảm áp lực thiếu điện ngay trước mắt, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Theo Thông báo gần đây của Chính phủ về Dự thảo Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (áp dụng từ ngày 1/7/2019), Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương phối với hợp Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, EVN và các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng lưới điện truyền tải, không để xảy ra tình trạng giảm phát gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, trong khi nhu cầu về điện lại đang thiếu hụt.

Theo đó, việc đầu tư lưới điện truyền tải này cần rà soát các quy định pháp luật và nghiên cứu cơ chế thí điểm cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư, báo cáo Thủ tướng trong tháng 11 đồng thời Bộ Công thương cũng cần khẩn trương lập quy hoạch điện VIII và báo cáo Thủ tướng phê duyệt vào năm 2020.

Thông báo này cũng nhấn mạnh việc thực hiện phương án đấu thầu để xác định giá bán điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019. Thủ tướng yêu cầu việc ban hành giá điện mặt tuân thủ một số nguyên tắc chỉ áp dụng biểu giá khuyến khích cố định đối với các dự án đã ký được hợp đồng mua bán điện và đang thi công, đưa vào vận hành trong năm 2020. Theo đó, các dự án còn lại và dự án mới sau này sẽ chuyển hẳn sang hình thức đấu thầu công khai, cạnh tranh để giảm giá mua điện./.

Độc quyền trong truyền tải điện: Năng lượng tái tạo bị ''trói tay'' ảnh 2Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020 tổng vốn đầu tư lưới điện là 214.000 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2030 là 610.000 tỷ đồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục