Thị trường chứng khoán hôm nay giảm ngay khi mở cửa phiên sáng, đà giảm ngày càng nới rộng theo thời gian giao dịch. Dù vậy 30 phút cuối phiên giao dịch, chỉ số hồi phục theo phương thẳng đứng và kết phiên ở sát mốc tham chiếu.
Điểm tích cực có thể nhận thấy là dòng tiền giải ngân nhà đầu tư trong tuần ngày càng gia tăng, đây là động lực giúp thị trường hồi phục.
Cụ thể, 4 phiên giao dịch trong tuần đều đạt từ 12.700-15.000 tỷ đồng/phiên, trong khi giao dịch trung bình những tuần trước đạt chưa tới 10.000 tỷ đồng/phiên.
Chốt phiên giao dịch ngày 23/2, VN-Index giảm 0,62 điểm xuống 1.053,66 điểm. Với mức điểm này, chỉ số VN-Index đã hồi phục hơn 24 điểm so với mức thấp nhất.
Khối lượng giao dịch đạt hơn 720,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 12.081,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 137 mã tăng giá, 258 mã giảm giá và 74 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,65 điểm xuống 209,31 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 82,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.337,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 61 mã tăng giá, 106 mã giảm giá và 62 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,05 điểm xuống 77,4 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 38,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 478,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 103 mã tăng giá, 134 mã giảm giá và 80 mã đứng giá.
Khối ngoại vẫn tiếp tục mạch bán ròng với 680,64 tỷ đồng trên HOSE, trong khi chỉ mua ròng 2,61 tỷ đồng trên HNX và 1,29 tỷ đồng trên UPCOM. Đây là phiên thứ 7 bán ròng liên tiếp của khối ngoại, với mức độ bán ròng ngày càng lớn.
Quỹ chỉ số FUEVFVND bị bán mạnh nhất với giá trị hơn 82,6 tỷ đồng. Tiếp đến là 2 mã cổ phiếu họ Vingroup là VHM bị bán ròng trên 80 tỷ đồng và VRE bị bán ròng hơn 79,2 tỷ đồng.
Có tới 17 mã cổ phiếu trong rổ VN30 đổi từ sắc đỏ sang sắc xanh đã tạo điều kiện để chỉ số nhanh chóng hồi phục. Nhiều mã cổ phiếu ngân hàng cũng hồi phục mạnh mẽ và chốt phiên trong sắc xanh như VIB tăng 2,4%, ACB tăng 2,2%, TPB tăng 1,9%, TCB tăng 1,6%, STB và BID đều tăng 1,2%...
[Lực bán dâng cao cuối phiên, chỉ số VN-Index sụt gần 28 điểm]
Nhiều cổ phiếu chứng khoán cũng phục vào cuối phiên, đảo chiều từ đỏ sang xanh như PHS tăng 12,7%, HCM tăng 3,5%, VCI tăng 3%, BSI tăng 2,8%, SSI tăng 2,2%, VND tăng 1,4%...
Nhóm cổ phiếu dầu khí có lẽ diễn biến tích cực nhất phiên hôm nay khi một loạt mã chốt phiên trong sắc xanh. Cụ thể, PTV tăng 4,2%, PVC tăng 4,1%, PVB tăng 3,6%, PVS tăng 1,9%, PLX tăng 0,4%. Cùng đó, nhiều mã cổ phiếu bất động sản đảo chiều tăng giá, nhiều mã trong nhóm này có mức giảm được thu hẹp.
Sau phiên bùng nổ đầu tuần này, chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) xác nhận, thị trường đã mạnh lên và tạo ra được một kênh tăng giá ngắn hạn. Với phiên điều chỉnh mạnh qua (22/2), kênh tăng giá đó vẫn chưa bị vi phạm, nhưng cho thấy giai đoạn phục hồi đang có nhiều khó khăn và rủi ro.
Theo góc nhìn ngắn hạn, VN-Index vẫn đang ngoài vùng downtrend (thị trường đang ở trong xu hướng giảm giá) trung hạn và đang vận động trong kênh tăng giá ngắn hạn nhưng rủi ro gãy xu hướng tăng cao dần nếu thị trường không có những nỗ lực phục hồi sớm.
SHS cho rằng sự vận động của thị trường trong giai đoạn vừa qua vẫn đang là xu hướng hồi phục và đã hình thành đáy trung hạn quanh 920-950 điểm, thị trường đang vận động trong sóng hồi nhưng khó có khả năng thình thành uptrend (xu hướng tăng giá) trung dài hạn.
Trạng thái hồi phục sẽ gặp phải ngưỡng cản quanh 1.150 điểm và có thể VN-Index sẽ hướng tới một giai đoạn tích lũy chặt chẽ trở lại quanh khu vực cân bằng mới.
Về vĩ mô trong ngắn hạn, những tín hiệu giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại là tích cực, tuy nhiên ẩn số đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp là chưa thể định lượng.
Cùng đó, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn khó khăn đặc biệt là cuộc xung đột Nga-Ukraine có xu hướng leo thang, khiến giá năng lượng và nhiều mặt hàng nguyên liệu cơ bản tiếp tục biến động khó lường, nguy cơ lạm phát, lãi suất tiếp tục tăng vẫn là rủi ro lớn./.