Dự án QL19 qua Bình Định-Gia Lai được gia hạn kéo dài hoàn thành

Với việc gặp hàng loạt các khó khăn, vướng mắc cả khách quan và chủ quan, Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên được gia hạn kéo dài thời gian về đích.
Dự án QL19 qua Bình Định-Gia Lai được gia hạn kéo dài hoàn thành ảnh 1Nhà thầu thi công một dự án giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) vừa có văn bản gửi Ban Quản lý dự án 2 về chủ trương gia hạn tiến độ hợp đồng các gói thầu thuộc dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo đó, nhà quản lý thống nhất chủ trương về kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu thuộc dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên.

Cụ thể, Gói thầu XL-01 cơ bản hoàn thành trước ngày 31/3/2024 và hoàn thành toàn bộ gói thầu đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 30/6/2024; Gói thầu XL-02 cơ bản hoàn thành trước ngày 31/12/2023 và hoàn thành toàn bộ gói thầu đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 31/3/2024; Gói thầu XL-03 cơ bản hoàn thành trước ngày 30/9/2023 và hoàn thành toàn bộ gói thầu đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 31/12/2023.

Ngoài ra, gói thầu XL-04A cơ bản hoàn thành trước ngày 31/3/2024 và hoàn thành toàn bộ gói thầu đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 30/6/2024; Gói thầu XL-04B cơ bản hoàn thành trước ngày 30/9/2023 và hoàn thành toàn bộ gói thầu đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 31/12/2023; Gói thầu XL-06 hoàn thành toàn bộ gói thầu đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 31/12/2023; Gói thầu XL-07 cơ bản hoàn thành trước ngày 30/11/2023 và hoàn thành toàn bộ gói thầu đưa vào khai thác, sử dụng trước ngày 31/12/2023.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng cũng thống nhất điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu tư vấn giám sát thi công đến ngày 31/12/2024 đảm bảo phù hợp với thời gian thực hiện dự án và thời gian kết thúc hiệp định.

Nhà chức trách đề nghị Ban Quản lý dự án 2 căn cứ vào khối lượng còn lại, điều kiện thi công thực tế để xem xét, quyết định việc gia hạn (thời gian gia hạn và các nội dung liên quan) và thực hiện các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện theo quy định, chịu trách nhiệm thương thảo với các nhà thầu để tổ chức triển khai thực hiện các gói thầu thuộc dự án, đảm bảo hoàn thành theo các mốc tiến độ của từng gói thầu theo thời gian điều chỉnh được chấp thuận nêu trên; đồng thời, xin ý kiến của nhà tài trợ trước khi xem xét, quyết định việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng của các gói thầu.

Ban Quản lý dự án 2 chủ trì cùng nhà thầu, tư vấn giám sát lập tiến độ thi công chi tiết, ký cam kết hoàn thành toàn bộ khối lượng còn lại của hợp đồng theo các mốc tiến độ đã được chấp thuận gửi về Bộ Giao thông Vận tải để theo dõi, quản lý; đồng thời, rút kinh nghiệm trong việc chậm trễ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng nhằm đảm bảo tính liên tục của hợp đồng và trong việc lập, kiểm soát thời gian thực hiện hợp đồng của gói thầu.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án 2 kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể các nguyên nhân khách quan, chủ quan (nếu có) làm chậm tiến độ hợp đồng; đồng thời, xử lý các nội dung tiếp theo tuân thủ các quy định của hợp đồng đã ký kết và các quy định pháp luật có liên quan. Trong đó, lưu ý xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan đối với các chi phí phát sinh (nếu có) do gia hạn tiến độ thực hiện hợp đồng gây ra.

[Vì sao Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên lại trễ hẹn?]

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải vừa chỉ ra hàng loạt các nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến dự án này không thể về đích đúng hẹn vào năm nay như thời gian đầu triển khai thực hiện dự án là thời điểm cao trào bùng phát dịch COVID-19, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tối đa di chuyển nên việc huy động thiết bị, nhân sự gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với nhân sự tư vấn giám sát người nước ngoài; công tác giải phóng mặt bằng vướng mắc và chậm bàn giao cho nhà thầu thi công.

Ngoài ra, mùa mưa khu vực Tây Nguyên thường kéo dài từ 5-6 tháng/năm. Riêng năm 2022, khu vực Tây Nguyên có mưa lớn kéo dài, liên tục (khoảng 6-7 tháng), nhiều đoạn tuyến đã thi công hoàn thành lớp móng đường cấp phối đá dăm đã bị mưa lũ cuốn trôi, phải làm đi, làm lại nhiều lần và không thể triển khai thi công các lớp mặt đường làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành các gói thầu, dự án.

Hơn nữa, từ khoảng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 địa phương hạn chế cấp phép khai thác mỏ vật liệu đất đắp nền đường. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Gia Lai không có các mỏ đất thương mại nên dự án không có nguồn vật liệu đất đắp để thi công nền đường nhất là việc dừng cấp phép khai thác các mỏ đất đúng vào thời điểm mùa khô khu vực nên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công hoàn thành dự án.

Mặt khác, trong quá trình triển khai thực hiện dự án do ảnh hưởng của biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu nên một số nhà thầu thi công cầm chừng, chưa quyết liệt triển khai thi công và có tâm lý chờ bình ổn giá để hạn chế thiệt hại về kinh tế./.

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên tiến hành thành nâng cấp khoảng 127km quốc lộ 19 và xây dựng mới khoảng 27-35km tuyến tránh với tổng vốn đầu tư gần 156 triệu USD. Trong tổng vốn đầu tư của dự án, vốn vay Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới (WB) là 150 triệu USD; vốn đối ứng tương đương 3,7 triệu USD; viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật là 2,1 triệu USD.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục