FAO đánh giá cao những nỗ lực xóa nghèo cùng cực tại Bolivia

Đại diện của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Bolivia Crispim Moreira ngày 19/10 đánh giá cao những nỗ lực xóa nghèo cùng cực tại quốc gia này trong những năm gần đây.
FAO đánh giá cao những nỗ lực xóa nghèo cùng cực tại Bolivia ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Đại diện của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Bolivia Crispim Moreira ngày 19/10 đánh giá cao những nỗ lực xóa nghèo cùng cực tại đất nước Nam Mỹ này trong những năm gần đây.

Phát biểu tại một buổi lễ ở thủ đô La Paz nhân Ngày Lương thực Thế giới, ông Moreira cho biết Bolivia nằm trong danh sách các quốc gia đạt được mục tiêu giảm nghèo của Liên hợp quốc.

Ông cũng kêu gọi các chính phủ tiến bộ tại Mỹ Latinh quan tâm hơn nữa tới chất lượng dinh dưỡng của người dân bên cạnh cuộc chiến chống đói nghèo.

Kể từ khi Tổng thống Evo Morales lên nắm quyền điều hành đất nước từ năm 2005, với những nỗ lực trong điều hành kinh tế vĩ mô, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm và tỷ lệ người nghèo giảm đáng kể.

Từ một quốc gia bất ổn và có thời gian nằm trong danh sách các nước nghèo nhất Mỹ Latinh, hiện Bolivia là một trong những nền kinh tế phát triển năng động và ổn định nhất tại khu vực.

Hiện dự trữ ngoại tệ của Bolivia đạt trên 15 tỷ USD, tăng gần 9 lần so với năm 2005 và tương đương 45% GDP - một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới.

Ông Morales, Tổng thống Bolivia đầu tiên mang dòng máu thổ dân, luôn theo đuổi thực hiện công bằng xã hội tại quốc gia gần 10 triệu dân, đa phần là người thổ dân nghèo.

Cùng với phát triển kinh tế, Tổng thống Morales đã gia tăng đầu tư để tạo việc làm, phát triển giáo dục và y tế, cung cấp cho người dân các dịch vụ công cộng cơ bản như nước sạch, điện, khí đốt.

Kinh tế tăng trưởng cho phép chính phủ tăng lương tối thiểu và trợ cấp tiền thường xuyên cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, học sinh và người già, góp phần giảm tỷ lệ người dân thuộc diện bần cùng tại Bolivia từ 37,2% xuống 18,8% trong vòng một thập niên.

Thu nhập bình quân đầu người có mức tăng đáng kể, từ 1.010 USD/người/năm hồi năm 2005 lên 2.757 USD/người/năm vào năm 2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục