GDP quý 1 của TP.HCM cao hơn 1,55 lần so với cả nước

Quý 1 năm 2014, GDP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 184.277 tỷ đồng, cao hơn 1,55 lần so với cả nước.
GDP quý 1 của TP.HCM cao hơn 1,55 lần so với cả nước ảnh 1Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Co.op Bình Triệu. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Quý 1 năm 2014, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 184.277 tỷ đồng, tăng 7,7% so cùng kỳ và cao hơn 1,55 lần so với cả nước.

Mức tăng này cao hơn cùng kỳ của thành phố hai năm liên tiếp trước đó (2012 đạt 7,4%, 2013 đạt 7,4%), cho thấy tình hình phục hồi kinh tế ổn định.

Đây là nhận xét của ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại cuộc họp về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội và ngân sách thành phố quý 1 và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, trong quý 1, chỉ số giá tiêu dùng của thành phố tăng bình quân 0,18% so tháng 12/2013 (cùng kỳ tăng 1,15%).

Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 60.498 tỷ đồng, đạt 26,49% dự toán, tăng 16,07% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 4,96%).

Đặc biệt, hầu hết các chỉ tiêu thu đều tăng cao hơn so cùng kỳ năm trước, trong đó thu từ khu vực kinh tế tăng 9,05% so với cùng kỳ cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh có sự phục hồi, các doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ tăng 8,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,3%), chiếm 60,5% tổng GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,1% so cùng kỳ, chiếm 38,8% GDP.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố ước đạt 152.656 tỷ đồng, tăng 12,1% so cùng kỳ.

Một tín hiệu vui nữa của kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh là trong quý 1 thành phố có 75 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 690,2 triệu USD (so cùng kỳ tăng 19,1% về số dự án và tăng gấp 11,6 lần về tổng vốn).

Đây được coi là kết quả tốt nhờ quá trình cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư cũng như các chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của thành phố.

Tuy nhiên, trong ba tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố giảm 7% so với cùng kỳ, ước đạt 6.339,6 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 4.749,8 triệu USD, giảm 3,7% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,3%).

Nguyên nhân giảm là do kim ngạch xuất khẩu dầu thô chỉ đạt 1,59 tỷ USD (giảm 12,8% về lượng và giá giảm 3,3%), nhóm hàng công nghiệp giảm 11,3% (mặt hàng dệt may, máy vi tính, điện tử và linh kiện, đá quý kim loại quý).

Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phân tích việc giảm kim ngạch xuất khẩu từ mặt hàng dầu thô là do chính sách hạn chế xuất khẩu, chuyển sang hóa lọc trong nước nên trong vài năm trở lại đây kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này luôn sụt giảm.

Ngoài ra, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm linh kiện và điện tử sụt giảm mạnh (18,2%) do lực cầu giảm.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến kim ngạch giảm là do các doanh nghiệp trên địa bàn có xu hướng chuyển về các tỉnh làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ở đây theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư là có nguyên nhân chủ quan từ thủ tục về thuế (nhất là thủ tục hoàn thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng) và thủ tục hải quan còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố, nhìn từ kết quả quý 1 cho thấy kinh tế đã đạt được những kết quả khá tốt, tuy nhiên cần xem lại việc xử lý nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Đến cuối tháng Ba, nợ xấu đã tăng 4,85% so với cuối năm 2013 trong khi các doanh nghiệp đã có sản xuất kinh doanh ổn định.

Trước một số khó khăn đặt ra với kinh tế thành phố, ông Lê Hoàng Quân cho rằng trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm thì thu ngân sách vẫn tăng, đây là nỗ lực lớn của các ban, ngành và doanh nghiệp.

Riêng về vấn đề một số doanh nghiệp chuyển về các tỉnh làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa thời gian qua, ngay trong tháng Tư các ngành chức năng cần tập trung rà soát lại các thủ tục, tìm hiểu lý do để có hướng khắc phục.

Trong quý 2, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; phấn đầu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, tăng cường hiệu quả đầu tư công; triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn 2025; tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng; thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, phòng chống dịch bệnh; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục