Giá dầu thế giới giảm hơn 2 USD, xuống mức thấp nhất ba tuần qua

Giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,05 USD/thùng xuống 66,66 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,13 USD/thùng và đóng phiên ở mức 63,36 USD/thùng.
Giá dầu thế giới giảm hơn 2 USD, xuống mức thấp nhất ba tuần qua ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu của Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 19/5, giá dầu thế giới giảm hơn 2 USD/thùng xuống mức thấp nhất trong ba tuần qua, trước những lo ngại rằng dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở châu Á sẽ làm giảm nhu cầu dầu thô và những lo ngại về lạm phát ở Mỹ có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,05 USD/thùng, hay 3%, xuống 66,66 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,13 USD/thùng, hay 3,3%, và đóng phiên ở mức 63,36 USD/thùng, sau khi có thời điểm giảm đến hơn 5%. Đây đều là các mức chốt phiên thấp nhất của cả hai loại dầu trên kể từ ngày 27/4.

Mới đây, trong phiên 18/5, giá dầu Brent đã tăng lên mức cao nhất 10 tuần qua trên 70 USD/thùng trước tâm lý lạc quan của giới đầu tư rằng nhu cầu dầu có thể tăng mạnh với sự tái mở cửa nhiều nền kinh tế ở châu Âu và Mỹ.

Giờ đây, giá dầu lại giảm xuống trước những lo ngại về khả năng nhu cầu dầu tăng chậm lại ở châu Á, nơi các ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh đã khiến nhiều biện pháp hạn chế mới được áp đặt ở Ấn Độ, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.

[IEA: Tình trạng thừa cung dầu mỏ trên thế giới đang chấm dứt]

Bên cạnh đó, trên thị trường hiện có những đồn đoán rằng các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran đang có tiến triển, từ đó có thể làm gia tăng nguồn cung dầu thô và khiến giá dầu đi xuống. Giới phân tích cho rằng Iran có thể cung cấp thêm khoảng 1-2 triệu thùng/ngày nếu thỏa thuận trên được “hồi sinh."

Ngoài ra, những đồn đoán về khả năng Fed nâng lãi suất cũng đè nặng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế và khiến giới đầu tư “giảm nhiệt” với dầu và nhiều loại hàng hóa khác, bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác, cũng như chứng khoán.

Theo biên bản cuộc họp chính sách tháng Tư của Fed, nhiều quan chức của ngân hàng này đã sẵn sàng để bắt đầu cân nhắc những sự thay đổi đối với chính sách tiền tệ dựa trên đã phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế.

Trong khi đó, đồng USD lại mạnh lên so với giỏ các đồng tiền chủ chốt khác, từ đó khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục