Giá dầu WTI trong tuần giảm mạnh nhất trong hơn một thập kỷ qua

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/2, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng Tư tới hạ 2,33 USD (5%), xuống 44,76 USD/thùng.
Giá dầu WTI trong tuần giảm mạnh nhất trong hơn một thập kỷ qua ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu ở Baku, Azerbaijan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới sụt giảm mạnh trong cả 5 phiên giao dịch của tuần này, khiến thị trường dầu chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong hơn 11 năm, giữa bối cảnh sự lây lan nhanh của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại các nước ngoài Trung Quốc đại lục khiến giới đầu tư thêm lo ngại về những tác động đối với nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần 24/2, giá dầu thế giới giảm gần 4%.

Nhà phân tích năng lượng Eugen Weinberg của Commerzbank Research cho biết, nhu cầu đối với các tài sản rủi ro có vẻ đang tăng trở lại.

Nhà phân tích này cho rằng hiện vẫn có những lo ngại về tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đối với nhu cầu dầu thô, song cũng xuất hiện các ý kiến “băn khoăn” về việc liệu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất liên minh có sẵn sàng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng và thậm chí là cắt giảm thêm hay không.

Giá “vàng đen” liên tiếp đi xuống trong những phiên giao dịch sau đó, khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, dự trữ dầu thô thương mại của nước này, không bao gồm dầu dự trữ trong Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược, trong tuần kết thúc ngày 21/2 vừa qua tăng 500.000 thùng so với tuần trước đó.

[Giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm]

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/2, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng Tư tới hạ 2,33 USD (5%), xuống 44,76 USD/thùng, qua đó khiến mức giảm trong cả tuần của giá dầu này lên tới hơn 16%, tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 19/12/2008.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng mất 1,66 USD (3,2%), xuống 50,52 USD/thùng, đánh dấu mức giảm 14% cả tuần, mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ ngày 15/1/2016.

Tính chung trong cả tháng Hai này, giá dầu WTI mất 13%, còn giá dầu Brent cũng hạ hơn 13%. Hợp đồng giao tháng Tư của cả 2 loại dầu chủ chốt này đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018.

Các chuyên gia phân tích cho rằng đà sụt giảm của giá dầu càng làm tăng áp lực lên OPEC cùng với các đồng minh khi nhóm này chuẩn bị tổ chức cuộc họp vào tuần tới (ngày 5-6/3/2020) tại Vienna, Áo để thảo luận về khả năng cắt giảm thêm sản lượng nhằm cân bằng cung cầu.

OPEC và các nước liên minh, còn gọi là OPEC +, đã cắt giảm sản lượng dầu trong những năm gần đây để hỗ trợ giá “vàng đen.”

Hồi tháng 12/2019, các nước OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày, nâng tổng mức cắt giảm sản lượng lên 1,7 triệu thùng/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục