Giải Búa liềm vàng: Bám sát vấn đề nóng, đề xuất giải pháp thiết thực

Nhiều tác phẩm đoạt giải cao ở Giải Búa liềm vàng 2022 đã đặt ra những câu hỏi có tính thời sự, lý luận và thực tiễn cao, đưa ra những lập luận sắc sảo, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực
Giải Búa liềm vàng: Bám sát vấn đề nóng, đề xuất giải pháp thiết thực ảnh 1Bài Mega Story: “Làm chủ 'sức mạnh mềm nhân quyền': Việt Nam tự tin tiến vào 'sân chơi lớn'” của tác giả Hùng Võ-Thanh Trà - Báo điện tử VietnamPlus.

Tối 3/2, Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022 sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2023).

Đây là năm thứ bảy của Giải với 2.032 tác phẩm dự thi và 34 tỉnh, thành phố tổ chức Giải Búa liềm vàng cấp tỉnh. Điều này cho thấy Giải đã có sức hút và sức hấp dẫn riêng với các cơ quan báo chí nói chung và các phóng viên nói riêng.

Tôn vinh 110 tác phẩm

Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022 tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả của 110 tác phẩm báo chí xuất sắc ở các loại giải.

Ban Tổ chức trao 6 giải A, 12 giải B, 18 giải C, 30 giải Khuyến khích và 8 giải chuyên đề gồm: Giải tác phẩm xuất sắc về tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng; Giải tác phẩm xuất sắc về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; Giải tác phẩm xuất sắc về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; Giải tác phẩm xuất sắc phát triển lý luận về xây dựng Đảng; Giải tác phẩm xuất sắc về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Giải tác phẩm xuất sắc về đấu tranh chống “diễn biến hòa bình;” Giải tác phẩm xuất sắc về phát hiện tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Giải tác phẩm xuất sắc của tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài.

Ban Tổ chức sẽ trao giải thưởng cho 15 cơ quan báo chí, Hội Nhà báo và Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức cấp ủy có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức tham gia hưởng ứng Giải.

Năm nay, Ban Tổ chức chọn một số nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm đoạt Giải để biểu dương, khen thưởng.

Đánh giá về mùa giải năm 2022, trong phát biểu kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải, ngày 26/12/2022, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Giải ghi nhận những bước tiến triển tích cực của Giải khi bước sang mùa giải thứ bảy.

“Công tác lãnh đạo, chỉ đạo Giải tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt việc phối hợp giữa Trung ương và địa phương ngày càng tốt hơn. Qua quá trình tổ chức Giải, Ban Tổ chức đã tiếp tục đổi mới được cách thức tổ chức, tiêu chí chấm tác phẩm và thể lệ Giải phù hợp với thực tiễn,” Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu: “Cần phải làm cho Giải Búa liềm vàng mở rộng hơn nhưng cũng sâu sắc hơn, đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới, đặc biệt là năm 2023, năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.”

Khẳng định dấu ấn cơ quan Thông tấn quốc gia

Tại Giải năm 2022, Liên chi Hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam có hai hai tác phẩm đoạt giải thưởng là loạt bài Mega Story đặc biệt “Làm chủ 'sức mạnh mềm nhân quyền': Việt Nam tự tin tiến vào 'sân chơi lớn'” của nhóm tác giả Hùng Võ - Thanh Trà ( Báo điện tử VietnamPlus) và loạt bài “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Nói là làm” của nhóm tác giả Trần Thu Hằng, Lê Trung Sơn, Phạm Thùy Hương, Trần Thị Thùy Dương, Trần Ngọc Tú (Báo Tin tức).

Việc TTXVN tiếp tục có các tác phẩm đoạt giải tại Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng Búa liềm vàng khẳng định dấu ấn mạnh mẽ của cơ quan Thông tấn quốc gia trong việc thông tin các vấn đề nóng, sự kiện nổi bật, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị và đất nước, trong đó đặc biệt là tuyến thông tin về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Giải Búa liềm vàng: Bám sát vấn đề nóng, đề xuất giải pháp thiết thực ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo, cán bộ và các tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ VI, năm 2021 của Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhà báo Võ Mạnh Hùng (bút danh Hùng Võ), Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) chia sẻ giữa tháng 8/2022, Ban lãnh đạo Báo điện tử VietnamPlus đã họp và phân công anh đi thực tế tìm hiểu tại một số tỉnh miền núi (từng là “điểm nóng” về tôn giáo với những hoạt động lôi kéo, gây mất an ninh trật tự), với hy vọng sẽ mang đến cho độc giả trong nước và quốc tế những góc nhìn khách quan, toàn diện hơn về công tác nhân quyền ở Việt Nam.

“Sau nhiều ngày đi sâu vào thực tế tìm hiểu, gặp gỡ bà con đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những người từng mắc phải sai lầm, tôi đã được nghe họ kể về những ngày tháng 'tối tăm' do bị cám dỗ bởi lời những lừa phỉnh của kẻ xấu, bị huyễn hoặc bởi 'dòng tiền đen' từ một số tổ chức phản động ở quốc tế gửi về với mục đích 'mị dân' đồng bào,… để rồi mê muội trong 'bóng ma đen tối' như nấm mốc của virus tà đạo. Và rồi, nhờ được cán bộ công an, bộ đội cảm hóa, trở về; được Nhà nước, chính quyền địa phương và các đoàn thể hỗ trợ phát triển kinh tế - họ đã nhận ra lỗi lầm, không còn tin, nghe theo kẻ xấu,” Nhà báo Võ Mạnh Hùng kể lại quãng thời gian tìm hiểu viết bài.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ thêm, giờ đây, đến với các bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa biên giới - những khu vực từng là “điểm nóng” về tôn giáo ở các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên, cảm nhận rõ nhất là cuộc sống của người dân đã có nhiều đổi thay.

Cùng với việc phát triển kinh tế, bà con một lòng tin theo Đảng, chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng nhau chung tay xây dựng xã, bản giàu mạnh.

Loạt bài này gồm 5 bài viết “Làm chủ 'sức mạnh mềm' nhân quyền: Việt Nam tự tin tiến vào 'sân chơi lớn'”, được thể hiện theo hình thức Mega Story (hay long-form) - một kiểu báo chí chất lượng về cả nội dung và hình thức được trình bày cầu kỳ (bao gồm nội dung văn bản, hình ảnh, dữ liệu, đồ họa, infographics) mang đến cho người đọc nội dụng chuyên sâu với “mâm thông tin” đầy đủ và giá trị nhất, chính xác nhất.

[Lễ trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên Búa liềm vàng]

Cũng gây ấn tượng với Hội đồng chấm chung khảo, với ngòi bút bình luận thể hiện hiện tính chiến đấu cao khi đấu tranh trực diện với những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng chống phá về công tác chỉnh đốn Đảng, nhất là ở công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, việc kỷ luật cán bộ, đảng viên, 5 bài viết trong loạt bài “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Nói là làm” đã hình thành một chuỗi thông tin xuyên suốt, mang tính logic và hỗ trợ, bổ sung cho nhau, tạo nên một chỉnh thể thống nhất khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, những chủ trương chính sách đúng đắn đang được thực thi và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Loạt bài “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Nói là làm” đã gây được tiếng vang lớn, góp phần hiệu quả vào công tác tuyên truyền xây dựng Đảng và trên thực tế các hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 sau đó đều đã khẳng định những nội dung được nêu trong bài viết.

Lập luận sắc sảo, đề xuất những giải pháp thiết thực

Một điểm nổi bật trong nhiều tác phẩm đoạt giải cao ở mùa Giải năm nay là đã đặt ra những câu hỏi có tính thời sự, lý luận và thực tiễn cao, cùng với đó là những phân tích, lập luận sắc sảo, từ đó “mạnh dạn” đề xuất những giải pháp thiết thực.

Với tác phẩm 2 kỳ “Nâng cao nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội ở Việt Nam hiện nay,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Trọng Lâm (Tạp chí Cộng sản) đã có những nghiên cứu sâu sắc về mặt lý luận, thực tiễn mối quan hệ giữa thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội ở nước ta trong thời gian tới.

Giải Búa liềm vàng: Bám sát vấn đề nóng, đề xuất giải pháp thiết thực ảnh 3Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Đây cũng là mối quan hệ thứ 10 được bổ sung trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, hợp thành hệ thống 10 mối quan hệ lớn, thể hiện tính quy luật của đổi mới, hộp nhập và phát triển ở nước ta.

Với những phân tích, bình luận sắc sảo, qua vệt bài 5 kỳ “Hàng loạt 'quan chức' hầu tòa: Lỗi cơ chế hay phẩm chất?”, nhóm tác giả Đoàn Xuân Bộ-Lê Ngọc Long-Nguyễn Hồng Hải-Huy Quang-Nguyễn Anh Tuấn (Báo Quân đội nhân dân) đã truyền tải tới độc giả một bức tranh sống động về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất mạnh mẽ trong 10 năm qua (2010-2022), gồm 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.

Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự.

Nhiều “quan chức” cấp cao hầu tòa khiến dư luận cộm lên một câu hỏi: Lỗi ấy do đâu? Một câu hỏi nhức nhối và đó là câu hỏi mà nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân phần nào giải đáp trong loạt bài này.

Xuất phát từ những câu chuyện về “những tiếng nói thẳng,” đấu tranh với các sai phạm trong các tổ chức đảng để phân tích, thấy rõ vai trò của công tác tự phê bình và phê bình, loạt bài 4 kỳ “Tìm và bảo vệ những tiếng nói thẳng” của nhóm tác giả Lê Hiệp-Đình Phú (Báo Thanh Niên) đã đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình, phát huy những tiếng nói thẳng thắn, nghiêm túc trong các tổ chức đảng, tránh những sai phạm tập thể của các cơ quan, đơn vị, địa phương như thời gian qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục