Giải thưởng Nhà nước vinh danh tác giả ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình”

Ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” của nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn được ví như như một trường ca về tình yêu Tổ quốc, về lòng quả cảm của các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.
Giải thưởng Nhà nước vinh danh tác giả ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” ảnh 1Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật ngày 19/5/2023. (Ảnh: Báo Tin tức/TTXVN)

Gặp nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn trong Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, tác giả ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” cho biết, ông vô cùng hạnh phúc và tự hào khi được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận đóng góp của mình với sự nghiệp Văn học nghệ thuật nước nhà.

“Giải thưởng cao quý này đã chắp thêm cho tôi đôi cánh, là điểm tựa vững chắc để tôi tiếp tục cống hiến và cho ra đời thêm nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị hơn nữa," nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn xúc động chia sẻ.

Khi Tổ quốc gọi tên

Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với 2 tác phẩm “Tổ quốc gọi tên mình” “Biển nghiêng." Trong đó, ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” được ông phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai.

Với giai điệu da diết, lời ca sâu lắng, xúc động nhưng không kém phần hào hùng, mãnh liệt, “Tổ quốc gọi tên mình” đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, làm lay động hàng triệu trái tim người Việt.

Nói về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình," nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn cho biết tháng 8/2011, khi tình hình biển Đông đang có nhiều phức tạp, xuất phát từ trách nhiệm của một nhạc sỹ, một công dân Việt Nam, ông muốn viết một ca khúc để thể hiện tình cảm của mình với đất nước.

Cơ duyên đến khi ông tình cờ đọc được bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, trong cảm xúc về sự đồng điệu, những giai điệu của ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” dâng trào và chỉ trong khoảng 20 phút, ca khúc đã gần như hoàn chỉnh. Sau này, ông chỉ chỉnh sửa thêm đôi chỗ cho phù hợp.

“Lúc sáng tác, tôi chỉ nghĩ vào thời khắc đó, mình nên làm một cái gì đó để cống hiến cho Tổ quốc. Sau khi tác phẩm ra đời, được công chúng đón nhận và lan tỏa rộng rãi trong xã hội, khiến tôi vô cùng xúc động," nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn chia sẻ.

Tác phẩm “Tổ quốc gọi tên mình” đã từng đoạt giải A của Hội nhạc sỹ Việt Nam năm 2011; giải A của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh năm 2011; Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm lần thứ nhất của Thành phố Hồ Chí Minh và nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp an ninh biên giới” của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Tác phẩm cũng được ghi vào tốp 10 kỷ lục ca khúc về biển đảo. Và lần này, cùng với ca khúc “Biển nghiêng," “Tổ quốc gọi tên mình” của nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội nhạc sỹ Việt Nam đánh giá ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” có tính nghệ thuật và sáng tạo rất cao, chắt lọc mọi yếu tố, từ tính nghệ thuật đến tính tư tưởng và tính đại chúng.

Tác phẩm có giá trị tồn tại vượt không gian, thời gian, có tầm văn hóa, ảnh hưởng với đất nước, thể hiện khát vọng của cả dân tộc. Từ lúc ban đầu là nói với chính mình, nhưng đến cao trào thành tiếng nói của cả dân tộc.

Hầu hết những người Việt Nam khi nghe tác phẩm này, dù trong những hoàn cảnh khác nhau, bối cảnh khác nhau, nhưng dường như ai cũng cảm thấy có tiếng lòng của mình trong đó…

Tác phẩm là thành công của cá nhân nhạc sỹ, nhưng đã trở thành là tài sản của nền âm nhạc Việt Nam, của đất nước Việt Nam.

[Hoàng Việt - nhạc sỹ của những ca khúc cách mạng trữ tình]

Nhà báo-nhạc sỹ Trần Lệ Chiến, Phó tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam chia sẻ, ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, được cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới hát vào những dịp lễ trọng.

Tác phẩm như một trường ca về lòng yêu Tổ quốc, sự hy sinh, anh dũng, quả cảm của các thế hệ người Việt Nam trong quá trình chiến đấu, giữ gìn bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc.

Tác phẩm lớn nhất khi dành cho đất nước

Hơn 10 năm kể từ khi ra đời, “Tổ quốc gọi tên mình” vẫn luôn có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng, được lan tỏa rộng rãi cả trong nước và quốc tế, trở thành bài hát nằm lòng của giới trẻ, được thu âm, thu hình và dàn dựng trong nhiều chương trình hát về biển đảo quê hương.

Cho đến nay, bài hát vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự mỗi khi đất nước bước vào những dịp kỷ niệm trọng đại.

Giải thưởng Nhà nước vinh danh tác giả ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” ảnh 2Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn (bút danh Trung Cẩn) sinh năm 1965, quê Bình Thuận. (Ảnh: Báo Tin tức/TTXVN)

Quả thực, hiếm có bài hát nào mà mỗi khi đất nước có biến động lại được người dân hát nhiều như “Tổ quốc gọi tên mình." Khi mới ra đời vào tháng 8/2011, trong lúc tình hình biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” lập tức được lan tỏa một cách rộng rãi và nhanh chóng, bởi lẽ, ca khúc đã nói thay tiếng lòng của hơn 90 triệu trái tim người con đất Việt.

Trong những ngày cả nước gồng mình chống dịch COVID-19, những giai điệu của “Tổ quốc gọi tên mình” luôn vang vọng trên khắp dải đất hình chữ S thân yêu, như một lời hiệu triệu toàn quân, toàn dân cùng hướng về những điểm nóng, cùng chung sức, đồng lòng quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Hơn 10 năm qua, vào những ngày lễ lớn của dân tộc, trong nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu nghệ thuật trong nước và quốc tế, ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” thường xuyên được các đạo diễn, các nghệ sỹ và quần chúng nhân dân lựa chọn làm tiết mục biểu diễn…

Với nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” không chỉ là lời tri ân của ông với đất nước, mà còn là tình cảm sâu thẳm của ông với gia đình, người thân của mình.

“Cha mẹ tôi đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mẹ của tôi nhiều lần bị địch bắt, bị tra tấn dã man và ra đi khi tôi mới 9 tuổi. Cha tôi đã bị giam cầm gần 7 năm ở 'chuồng cọp' Côn Đảo. Gia đình, dòng họ tôi có nhiều người đã hy sinh cho Tổ quốc, có người đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt… tất cả những điều đó luôn thôi thúc tôi phải sống thật tốt và cố gắng làm thật nhiều điều có ích cho đất nước," nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn chia sẻ.

Đã từng, có người đặt vấn đề muốn “mua đứt” bài hát này với giá 50.000 USD, nhưng tác giả đã thẳng thắn từ chối và trả lời: “Bài hát giờ không còn là của riêng tôi nữa, mà nó đã thuộc về Tổ quốc rồi," nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn kể lại.

Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn (bút danh Trung Cẩn) sinh năm 1965, quê Bình Thuận. Ông từng học Trường Văn hóa nghiệp vụ Ninh Thuận, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông từng là Trưởng đài Đài Truyền thanh Phan Rí Cửa; Giám đốc Nhà Văn hóa Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận); từng công tác tại Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện, ông là Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam kiêm Giám đốc chi nhánh phía Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội nhạc sỹ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn 30 năm gắn bó với âm nhạc, trên 10 năm làm công tác giảng dạy tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh với chuyên ngành Lý luận và sáng tác, có thể nói, sáng tác là một nghề đã đi vào máu thịt tâm hồn của nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn và chắc chắn sẽ theo ông suốt cuộc rong chơi giữa trần thế này.

Như ông đã từng bộc bạch, sáng tác âm nhạc đã cứu rỗi tâm hồn ông, để ông luôn hướng về chân-thiện-mỹ, tìm cái đẹp của cuộc đời này, để sống có ý nghĩa hơn với gia đình, bạn bè và quê hương đất nước.

Sáng tác không nhiều, nhưng tác phẩm của nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn hầu hết đều có chủ đề về tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi con người Việt Nam.

Ngoài hai tác phẩm giành Giải thưởng Nhà nước đợt này, một số sáng tác của ông được nhiều người yêu mến như “Hoa vẫn nở trên chiến trường xưa," “Mẹ tôi," “Chiều trên Cù lao Dung," “Bên em thành phố biển," “Mẹ và Tổ quốc”…

Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn cho biết ông sẽ tiếp tục phát huy phong cách âm nhạc riêng của mình để viết các ca khúc về quê hương, đất nước, Tổ quốc, gia đình và bè bạn.

“Tôi không sáng tác theo kiểu ồ ạt mà chú trọng chất lượng, tính nghệ thuật và sức lan tỏa của tác phẩm. Tôi sẽ tiếp tục cống hiến, làm tốt các vai trò, nhất là sáng tác những tác phẩm hay dành tặng quê hương đất nước. Đời đã cho tôi quá nhiều, tôi cũng nên trả lại cho đời những gì có thể bằng chính trái tim mình," tác giả của “Tổ quốc gọi tên mình” bày tỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục