Giao tranh đang lan rộng trên khắp Cote d'Ivoire

Giao tranh tại Cote d'Ivoire lan rộng trên cả nước sau khi lực lượng ủng hộ ông Ouattara đẩy mạnh hoạt động quân sự lật đổ ông Gbagbo.
Giao tranh tại Cote d'Ivoire đã lan rộng trên phạm vi cả nước sau khi các nhóm vũ trang thuộc Lực lượng Cộng hòa ủng hộ ông Alassane Ouattara, nhân vật được quốc tế công nhận đắc cử Tổng thống Cote d'Ivoire, đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm lật đổ Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo.

Ngày 28/3, lực lượng ủng hộ ông Ouattara đã mở thêm hai mặt trận mới ở miền Đông và miền Tây Cote d'Ivoire.

Tại miền Tây, chiến sự diễn ra ác liệt tại thành phố Duekoue, vị trí chiến lược nằm trên tuyến đường vận chuyển huyết mạch dẫn tới thủ phủ canh tác cacao ở miền Trung Cote d'Ivoire. Các nhân chứng cho biết hai bên đã sử dụng súng hạng nặng trong các trận chiến.

Tại miền Đông, sau các cuộc giao tranh ác liệt, Lực lượng Cộng hòa tuyên bố đã giành được quyền kiểm soát thành phố quan trọng Bondoukou giáp biên giới với Ghana. Tuy nhiên, các nguồn tin quân sự cho biết lực lượng trung thành với Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo vẫn giữ được một số vị trí quan trọng trong thành phố này.

Trong khi đó, Lực lượng Cộng hòa từ các căn cứ ở miền Nam đang tiến tới gần thành phố lớn thứ ba Dalao tại miền Trung Cote d'Ivoire - trung tâm canh tác cacao của đất nước xuất khẩu cacao lớn nhất thế giới.

Trong những tuần lễ gần đây, lực lượng ủng hộ ông Ouattara đã chiếm được bốn thành phố ở miền Tây từ tay lực lượng ủng hộ ông Gbagbo. Các chuyên gia quân sự đánh giá với đà tiến quân này, họ có thể sẽ tiến về phía Nam tới cảng San Pedro, cảng một nửa lượng cacao xuất khẩu của Cote d'Ivoire.

Chiến sự ác liệt đã buộc nhiều người dân Cote d'Ivoire phải sơ tán. Trên 1 triệu người đã phải chạy khỏi thành phố Abidjan để tránh chiến sự, khoảng 100.000 người khác đã chạy sang nước láng giềng Liberia, Mali...

Theo số liệu của Liên hợp quốc, ít nhất 462 người Cote d'Ivoire đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa hai bên kể từ khi khủng hoảng bùng phát tháng 12/2010.

Trong một diễn biến liên quan, Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với ông Gbagbo.

Một nguồn tin ngoại giao cho biết các biện pháp EU đang cân nhắc tập trung siết chặt nguồn tài chính của Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo, tăng thêm số tổ chức, cá nhân thân cận với ông Gbagbo trong danh sách phong tỏa tài sản, cấm đi lại.

Trước đó, EU đã phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với ông Gbagbo và 95 người thân cận, cùng với 13 tổ chức như ngân hàng, công ty dầu khí quốc gia, cảng xuất khẩu cacao.

Pháp và Nigeria ngày 25/3 đã trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một dự thảo nghị quyết mới về Cote d'Ivoire. Trước đó, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), sau hội nghị cấp cao trong hai ngày 23-24/3 tại thủ đô Abuja, Nigeria), đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp dụng các biện pháp kiên quyết hơn đối với cuộc khủng hoảng chính trị đang gia tăng nghiêm trọng tại Cote d'Ivoire./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục