Giới phân tích lo ngại về lạm phát cao ở Trung Quốc bị thổi phồng

Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa cho biết, CPI của nước này trong tháng 10 vừa qua tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 3% của tháng trước đó.
Một quầy bán thịt lợn tại chợ ở Bắc Kinh của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một quầy bán thịt lợn tại chợ ở Bắc Kinh của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc, thước đo chính về lạm phát, đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần tám năm (CPI), nhưng giới phân tích cho rằng những lo ngại về thực trạng lạm phát cao ở nước này đã bị thổi phồng.

Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa cho biết, CPI của nước này trong tháng 10 vừa qua tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 3% của tháng trước đó.

Chỉ số này tăng chủ yếu do giá thịt lợn tăng mạnh trong tháng 10 vừa qua, với mức tăng 101,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp gần 2/3 trong mức tăng.

Ngân hàng Bank of Communications cho rằng khi nhu cầu của thị trường vẫn tương đối thấp, không có yếu tố nào có tác động mạnh đến CPI ngoài giá thịt lợn.

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và các yếu tố mang tính chu kỳ, giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng cao trong vài tháng qua.

Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ổn định nguồn cung lợn.

[Trung Quốc kêu gọi các nước dỡ bỏ các rào cản thương mại]

Tại một cuộc họp ngày 6/11 vừa qua, chính phủ nước này đã hối thúc những nỗ lực khôi phục sản xuất lợn thông qua việc đảm bảo nguồn cung thức ăn cho lợn, tăng sản lượng thịt gà, thị bò và thịt cừu cũng như sử dụng thực phẩm dự trữ.

Số liệu chính thức cho thấy lượng thịt lợn được nhập khẩu vào Trung Quốc đạt khoảng 1,33 triệu tấn trong 3 quý đầu năm nay, tăng 43,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà kinh tế trưởng của công ty phát triển bất động sản Evergrande Ren Zeping cho rằng CPI tăng là kiểu lạm phát thuộc về cơ cấu, chỉ do giá thịt lợn, chứ không phải lạm phát chung.

Theo ông, khi sức ép giảm tốc đối với nền kinh tế vẫn còn, mối lo chính là giảm phát chứ không phải nhu cầu quá nóng và thắt chặt chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nhà nghiên cứu Guo Liyan, thuộc Học viện nghiên cứu kinh tế vĩ mô Trung Quốc, cho rằng trong khi giá thực phẩm vẫn cao, điều đáng chú ý là giá các mặt hàng tiêu dùng công nghiệp, dịch vụ và nhà ở khá ổn định kể từ đầu năm nay.

Giá thực phẩm trong tháng 10 vừa qua tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 11,2% trong tháng trước đó; trong khi giá các mặt hàng phi thực phẩm tăng 0,9%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức tăng của tháng Chín vừa qua.

Theo bà Guo, đối với cả năm 2019, Trung Quốc có thể đạt mục tiêu lạm phát 3% mà chính phủ nước này đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục