GMS 6: Đã tới lúc phải tạo ra động lực mới cho phát triển bền vững

Việc phát triển dựa vào lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên đã cận kề giới hạn và đã không còn là lợi thế của các nước trong GMS.
GMS 6: Đã tới lúc phải tạo ra động lực mới cho phát triển bền vững ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Việc phát triển dựa vào lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên đã cận kề giới hạn và không còn là lợi thế của các nước trong GMS. Thậm chí, mô hình tăng trưởng dựa vào 2 yếu tố này bị xem là “khoản nợ.” Vậy, vấn đề là các nền kinh tế GMS sẽ phải tạo ra động lực phát triển mới bằng cách nào?

Câu hỏi lớn này đã đặt ra tại phiên họp “Tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế mới cho khu vực GMS” trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS) lần thứ 6 diễn ra chiều 30/3 tại Hà Nội.

Phát huy tốt nội lực

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu tính tổng quy mô kinh tế của tiểu vùng Mekong mở rộng, đó là một “nền kinh tế” quy mô GDP lên đến hơn 1.300 tỷ USD.

[Chuyên gia cảnh báo: Đừng đánh giá thấp 'cơ sở hạ tầng mềm']

Theo Thủ tướng, điều này cho thấy nếu các quốc gia, các đối tác dù nhỏ, tiềm lực hạn chế khi liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong khuôn khổ chung GMS, chúng ta sẽ tạo ra một khu vực kinh tế chung, một thị trường chung.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, để GMS không phải là một phép cộng cơ học của các nền kinh tế thành viên, các bên cần tập trung cải cách thể chế pháp luật, phát triển hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, phát triển thị trường nội địa.

Ngoài ra, vấn đề khác Thủ tướng đặt ra là thúc đẩy các hoạt động thương mại xuyên biên giới; tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia vào những nấc giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua các khuôn khổ hợp tác kinh tế và thương mại tự do.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới và môi trường phát triển đang có chuyển đổi sâu sắc, GMS phải có những động lực mới cạnh tranh mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của mình,” Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định, nguồn lực mới cho phát triển, trước hết đến từ việc phát huy tốt nội lực của mỗi nước. Theo Thủ tướng, vấn đề là, mỗi nền kinh tế cần tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, để giải phóng mọi nguồn lực tiềm năng, sức sáng tạo của các doanh nghiệp, người dân.

“Phải chăng đó chính là nguồn lực mới và cũng là nền tảng cho thành công của hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế khu vực, thu hút sự hỗ trợ của các đối tác phát triển quốc tế và các nguồn lực từ bên ngoài khác dành cho khu vực GMS và CLV của chúng ta,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một nguồn lực mới quan trọng xuất phát từ khai thác hiệu quả những tiến bộ, đột phá của khoa học công nghệ.

Nhanh và bền vững là yêu cầu hàng đầu

Ở hướng khác, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen lại đưa ra cảnh báo, một trong những thách thức mà các nước phải đối mặt là nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ. Điều này theo Thủ tướng Campuchia không đem lại sự bền vững cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar U Henry Van Thio thậm chí còn cho rằng, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên không còn là lợi thế so sánh trong điều kiện hiện tại mà thậm chí còn là khoản nợ.

Ông kêu gọi, đã đến lúc phải tạo ra động lực mới cho sự phát triển bền vững. Theo ông, tương lai tăng trưởng lâu dài phải có yếu tố về tiến bộ công nghệ. Từ đó, ông cho rằng, khu vực tư nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng để hỗ trợ sự phát triển công nghệ và từ đó thúc đẩy kinh tế.

Phó Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar U Henry Van Thio cho rằng, nguồn vốn tư nhân nếu được kết hợp với những thể chế phù hợp sẽ giúp các nước phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả.

Đây cũng là vấn đề được Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha nói tới. Ông khẳng định quan điểm cần phát triển một nền kinh tế bao trùm, không dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ.

Theo ông, sự sáng tạo và kỹ thuật số sẽ nổi lên là động lực phát triển mới trên cơ sở hợp tác công tư và phát triển nhân lực.

Ngoài ra, Thủ tướng Thái Lan cũng đề nghị các nước thành viên GMS liên kết về cơ sở hạ tầng và có sự hài hòa về khuôn khổ pháp lý, chính sách. Nhờ vậy, các nền kinh tế có thể thúc đẩy liên kết các thị trường và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Về phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu thêm quan điểm, phát triển nhanh và bền vững phải là yêu cầu hàng đầu. Theo Thủ tướng, tăng trưởng nhanh nhưng phải gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong quý báu.

“Hài hòa là giá trị truyền thống của châu Á, tôi cho rằng mỗi kế hoạch phát triển quốc gia, hoạt động đầu tư, kinh doanh hay chương trình hợp tác GMS, CLV cần bảo đảm sự hài hòa, cân bằng lợi ích của các bên, của chính phủ, doanh nghiệp và người dân,” Thủ tướng nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục